Bình Thuận: Giao nhiều dự án “đất vàng” cho doanh nghiệp không qua đấu giá

P.V
11/11/2020 - 15:18
Bình Thuận: Giao nhiều dự án “đất vàng” cho doanh nghiệp không qua đấu giá
Không tổ chức đấu giá, nhiều khu “đất vàng” ở tỉnh Bình Thuận được lãnh đạo UBND tỉnh này ký giao đất cho doanh nghiệp một cách “thần tốc”.

Giao "đất vàng" thần tốc cho doanh nghiệp

Ngày 22/3/2017 UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 738 về phê duyệt kế họach sử dụng đất năm 2017 của TP. Phan Thiết, trong đó có việc quy hoạch và phát triển dự án lấn biển tại phường Đức Long. Một ngày sau, 23/3/2017 các ban ngành của tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp để quyết định việc có cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hải (Công ty Trường Phúc Hải) được triển khai dự án này hay không.

Ngày 28/3/2017, Sở Tài nguyên Môi trường Bình Thuận có văn bản số 1153 gửi Công ty Trường Phúc Hải với nội dung công ty đủ điều kiện thực hiện thủ tục đất đai theo quy định.

Dự án chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết do Công ty Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư.

Dự án chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết do Công ty Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư.

Văn bản này nêu rõ, việc thẩm định điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì đây là loại dự án sản xuất kinh doanh sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước với đề xuất vốn thực hiện dự án của Công ty Trường Phúc Hải là 950 tỷ đồng.

Đáng chú ý, văn bản cũng nêu rõ, theo báo cáo rà soát tình hình thực hiện pháp luật đất đai của Công ty Trường Phúc Hải và rà soát hồ sơ có liên quan thì công ty chưa được cấp có thẩm quyền giao thuê đất trên địa bàn tỉnh, công ty cam kết chấp thuận tốt các quy định của pháp luật.

Thế nhưng, ngày 17/4/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định chủ trương đầu tư số 1017 với việc chấp thuận cho Công ty Trường Phúc Hải thực hiện dự án này với yêu cầu công ty phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trước thời điểm giao đất cho thuê đất.

Tiếp đó, vào ngày 7/7/2017 UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 1909 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP. Phan Thiết.

Chỉ ít ngày sau, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định số 1943 với nội dung phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long với quy mô diện tích đất gần 123ha. Mục tiêu là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất để sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị, mật độ dân số lên tới 18.000 người.

Ngày 7/2/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình số 99 về việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án. Theo nội dung tờ trình, Công ty Trường Phúc Hải đã nộp số tiền hơn 4,8 tỷ đồng theo thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư ngày 6/2/2018 của Sở Kế hoạch Đầu tư. Và từ đây, gần 123ha đất lấn biển đẹp nhất TP. Phan Thiết đã thuộc về tay Công ty Trường Phúc Hải.

Ngay sau đó, Công ty Trường Phúc Hải mở bán dự án này với tên thương mại là Hamubay Phan Thiết trên diện tích gần 123ha được tỉnh Bình Thuận quy hoạch thực hiện dự án. Cụ thể, giai đoạn 1 đã triển khai 4ha với hơn 120 nhà phố liền kề, biệt thự phố, biệt thự nghỉ dưỡng, beer clup, shophouse… có diện tích từ 90-150m2, bao gồm các căn nằm tại dãy mặt tiền đường ven biển và ven đường nội bộ dự án.

Ngày 31/3/2020 Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận có Kết luận thanh tra số 867 việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó có dự án Hamubay Phan Thiết.

Kết luận nêu rõ, Công ty Trường Phúc Hải đã ký kết hợp đồng kinh tế hợp tác phát triển dự án với Công ty CP tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng để thực hiện các công việc liên quan đến bán sản phẩm của dự án. Tuy nhiên Công ty CP tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng chưa thực hiện đầy đủ quy định Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.

Kết luận nêu rõ: "Trong quá trình thực hiện dự án Công ty Trường Phúc Hải và đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, kinh doanh bất động sản".

Phá rừng để làm du lịch?

Tương tự, những bất thường cũng không kém đang xảy ra tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016.

Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận lần lượt ban hành 02 Quyết định số 904/QĐ-UBND (ngày 5/4/2017), Quyết định số 3670/QĐ-UBND (ngày 21/12/2017) thu hồi đất và tạm giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam để thực hiện dự án.

Bình Thuận: Giao nhiều dự án “đất vàng” cho doanh nghiệp không qua đấu giá - Ảnh 2.

Để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận "hy sinh, đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi", tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhưng nay phải chuyển sang cho dự án du lịch của tư nhân

Chưa dừng lại ở đó, dự án này lại tiếp tục được UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh 2 lần với các quyết định số 1165/QĐ-UBND (ngày 9/5/2018), số 966/QĐ-UBND (ngày 17/4/2019).

Đến tháng 8/2019, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ban hành Quyết định số 1961/QĐ-UBND (ngày 2/8/2019) phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. Theo quyết định này Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có quy mô khoảng 12,54 ha. Và ngày 28/10/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong đã chính thức ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc "chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương".

Để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận "hy sinh", đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Việc ngăn chặn bão lũ, triều cường cho khu vực Tiến Thành, Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung sẽ ra sao khi diện tích rừng ven biển ngày càng thu hẹp? Hậu quả sẽ thế nào khi những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến thất thường, biển đã lấn sâu vào đất liền, nguy cơ mất đất, nỗi lo bị sóng biển xâm lấn ngày càng tăng lên?

Xin giành câu trả lời cho chính quyền tỉnh Bình Thuận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm