Du lịch Bình Thuận hậu covid: Phát huy lợi thế nhưng phải giải quyết tận gốc những tồn tại về môi trường

Chung Quốc Hưng
24/06/2020 - 10:03
Du lịch Bình Thuận hậu covid: Phát huy lợi thế nhưng phải giải quyết tận gốc những tồn tại về môi trường

Món lẩu thả với nhiều giai thoại thú vị về làng chài xưa Mũi Né, Phan Thiết, về xuất xứ món ăn có một không hai này.

Nhằm hút khách nội địa thời hậu covid, Bình Thuận đưa ra gói kích cầu mang tên “Oh wow Mũi Né” (tạm dịch: Ngạc nhiên Mũi Né) với nhiều chương trình ưu đãi về giá. Tuy nhiên, để du khách nội quyết định “đặt vé” đến đây, ngành du lịch tỉnh này một mặt đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm từ thế mạnh biển, kèm theo đó là câu chuyện văn hóa trăm năm; thứ 2 là phải giải quyết được vấn đề môi trường (kể cả rác thải và môi trường dịch vụ, thái độ thân thiện với du khách).

Từ giai thoại lẩu thả đến huyền thoại nước mắm tĩn  

Nói đến ẩm thực Bình Thuận là nói đến các món ăn được làm từ sản vật biển. Thế nhưng mực một nắng, sò nướng, cá hấp dù có tươi, ngon đến mấy thì …. "tỉnh anh có, tỉnh tôi cũng có". Duy có một món cũng từ biển nhưng chỉ ở Bình Thuận mà nếu như, du khách đến Nha Trang, Vũng Tàu, gọi hỏi thì chỉ nhận cái lắc đầu. Đó là món ăn có tên gọi "lẩu thả" với nhiều giai thoại hết sức thú vị. 

"Vào khoảng năm 2004, khi đi nghỉ ở một resort tại Hàm Tiến, tôi được gợi ý thưởng thức món lẩu thả. Từng biết nhiều loại lẩu trong và ngoài nước nhưng lẩu thả thì chưa nghe bao giờ", Khổng Nhất Huy (TP Hồ Chí Minh) nhớ lại. Anh kể: "Nó lạ và đẹp mắt, thu hút tôi ngay từ cách bài trí. Đến khi thưởng thức thì cảm nhận được hương vị lạ. Thú vị hơn khi người phục vụ cho tôi biết, món này do vua đầu bếp Yan Can Cook trứ danh trong lần đến Bình Thuận quảng bá cho du lịch đã ngẫu hứng nghĩ ra".

Không như những món lẩu khác thường thấy được nấu từ cá Bớp hay gộp chung nhiều loại hải sản thì lẩu thả được nấu từ cá Mai ăn kèm với hoa chuối (2 thành phần chính) và các loại rau được bày biện theo 5 yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa Thổ. Khi được được hỏi về nguồn gốc món ăn có phải từ vị vua đầu bếp nổi tiếng cả thế giới kia phải không thì chị Cherry Vy, giám đốc marketing Seahorse resort đính chính: "Lẩu thả do một đầu bếp có tên Hai Bếp, một người Bình Thuận sáng tạo ra. Nhưng nó nhanh được lan tỏa bởi vua đầu bếp tên Yan kia khi đến Bình Thuận thưởng thức và ngợi ca".

Những ngày ấy, trong thực đơn của hầu hết resort đều trịnh trọng có tên "lẩu thả". Nó được xem như một món đặc trưng riêng cho Phan Thiết - Bình Thuận. Các cuộc hội chợ, các đợt festival trong nước, "lẩu thả Phan Thiết" luôn được xướng tên, để lại ấn tượng mạnh và in dấu son trong lòng quan khách. 

"Thực ra, lẩu thả là một món ăn có nguồn gốc dân dã ở làng chài Mũi Né. Kể từ khi có du lịch, nó được khai thác và "trang điểm" thêm để có hình hài như bây giờ. Mỗi cơ sở du lịch thổi vào đó một sắc thái riêng. Nhưng dù gì thì hồn cốt vẫn là triết lí nhân sinh của đời ngư phủ đối đầu với sóng cả", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa giải thích.

Kể, lý giải theo cách nào có thể cũng được chấp nhận. Vì dù sao, tất cả những câu chuyện đều cho thấy rằng, "lẩu thả Phan Thiết" rất được nhiều người quan tâm. Càng nhiều câu chuyện, càng làm cho nó thêm bí ẩn và hấp dẫn.

Chỉ cần gõ 2 từ "lẩu thả" vào công cụ tìm kiếm trên internet, kết quả sẽ gợi ý ngay "lẩu thả Phan Thiết" (hoặc "lẩu thả Mũi Né"). Dù cố tìm thêm cũng không có "lẩu thả Vũng Tàu" hay "lẩu thả Nha Trang". Trong khi đó, "mực một nắng" thì không của riêng vùng biển nào.

"Lẩu thả" đàng hoàng có tên trong trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Trang này "định nghĩa": "Lẩu thả hay còn gọi là lẩu hải sản của vùng biển Mũi Né, Phan Thiết, Việt Nam". Không hề có tên vùng nào khác…

Như vậy, trong chừng mực nào đó, "lẩu thả Phan Thiết" đã xác lập được thương hiệu từ miệng "dân gian", đây có thể coi là đã được đóng mộc "chỉ dẫn địa lý". Điều mà các món ăn từ hải sản khác ở Bình Thuận không vinh dự bằng…   

Nói đến Phan Thiết, ai cũng biết nước mắm.

Hãy khoan "bàn" đến tính "hàn lâm" của nó mà xin vài dòng trước về giai thoại của loại nước chấm danh bất hư truyền này. Có câu chuyện vui, nếu đang đi (trên xe) mà bỗng nghe mùi… chắc chắn đã đến Phan Thiết. Tự trào và cũng đầy tự hào về một sản vật dễ mấy nơi có được? Thực tế, trước năm 1975, nếu ai đó đã từng đi ngang Phan Thiết bằng quốc lộ 1, đều nhận thấy 2 hình ảnh rất ấn tượng. Một là những cánh đồng muối ở phía Bắc; hai là hàng trăm cái tĩn được xếp chồng thành nhiều dãy rất đều đặn ở phía Nam. Hình ảnh này cũng đã đi vào nghệ thuật nhiếp ảnh. Đó chính là nét độc đáo của Phan Thiết với nước mắm tĩn.

Trong câu chuyện về văn hóa, nhà Văn Lê Văn Nghĩa từng viết trong mục ẩm thực của một tạp chí khá nổi tiếng: "Kỹ nghệ làm nước mắm tĩn ở Bình Thuận nắm giữ vai trò độc tôn ngót một thế kỷ".

Xa hơn. 300 năm, thuở lập làng. 300 năm, đất - nước - người Phan Thiết làm nên thương hiệu nước mắm tĩn có một không hai. Tỉnh này giờ đang "gầy dựng" lại được cả một bảo tàng hiện đại về nước mắm. Sản phẩm nước mắm tĩn được nâng tầm. Nó được giới thiệu với du khách ở các resort. "Tới đây cho đến cả tháng 7, chúng tôi mang nước mắm tĩn với chiếc áo vừa truyền thống vừa hiện đại đến TP Hồ Chí Minh để kể lại mối lương duyên xưa trên những chuyến ghe bầu đưa đặc sản này vượt biển vào bến Bình Đông để cung cấp cho người Sài Gòn. Chúng tôi cũng mang ra Hà Nội nghìn năm văn hiến. Nơi có nhiều người sành ăn, để kể cho họ nghe nhiều câu chuyện về nước mắm tĩn", tiến sĩ kinh tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Trần Ngọc Dũng cho biết.

Cần sạch và thân thiện hơn để hút khách nội

Cảnh vật, sản vật ở Bình Thuận rất hút khách. Nhưng con người, cách làm du lịch thì phải thay đổi nhiều. Đây là yếu tố cốt lõi, nếu không muốn bị "bỏ lại phía sau".

Một trong những hạn chế cần khắc phục ngay, đó là làm sạch biển, làm sạch bãi biển, làm sạch các khu dân cư ven biển. Tại những nơi này, có những thời điểm, rác là nỗi kinh hoàng của người nơi khác đến. Khách nội địa có số lượng lớn. Không phải ai cũng vào các khu nghỉ dưỡng 4, 5 sao. Vì vậy các khu du lịch cộng đồng cần phải được làm sạch. Câu chuyện bãi đá 7 màu (ở Tuy Phong) đầy rác mà cả đội thanh niên tình nguyện gần chục người lượm không xuể hay cô du khách Nga phải lên trang cá nhân kêu gọi mọi người dọn rác cứu lấy Mũi Né ngày nào là những minh chứng sống động. 

"Làm sao để người dân địa phương phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ cảnh quan sạch đẹp. Chứ không phải đợi khi có sự cố, khi có du khách nào đó làm dậy sóng dư luận về tình trạng ô nhiễm môi trường khi đó "hô hào ồ ạt ra quân" với những khẩu hiệu rất kêu để rồi… đâu lại vào đấy", Phan Ngọc Duy (TP Hồ Chí Minh) có ý kiến.

Hướng dẫn viên Lương Quốc Tuấn (Viettravel) và đồng nghiệp không ít lần lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi đưa khách đến ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm tại đồi Cát Bay (còn gọi là đồi Hồng). Một tốp em nhỏ 10-12 tuổi áo quần dơ bẩn cứ bám theo chèo kéo cho thuê ván trượt cát. Chẳng ai có nhu cầu đó cả nhưng vì không muốn làm phiền nên đành "thuê". Họ chỉ mong đám trẻ đừng quấy rầy để được thoải mái tạo dáng chụp hình. Chưa thỏa mãn sở thích, họ lại gặp một trẻ khác đến đòi tiền vì cho rằng chưa thanh toán. 

"Trong khi khách của tôi cố giải thích là đã trả tiền cho một em trong nhóm rồi và tôi tìm cách bảo vệ khách thì xuất hiện những gương mặt người lớn bặm trợn. Những người này to tiếng với chúng tôi (HDV) rằng, có muốn làm ăn ở đây không? Đến nước đó thì thôi đành để khách trả thêm một lần tiền nữa vậy", Lương Quốc Tuấn nhớ lại.

Mới đây, nằm trong chương trình quảng bá du lịch hậu covid, Bình Thuận có quyết định công nhận đồi Cát Bay là danh thắng cấp tỉnh. "Chúng tôi sẽ có và sớm ban hành quy chế hoạt động, gìn giữ cảnh quan, môi trường tại các điểm đến để du khách an tâm hơn khi đến đây. Riêng đồi Cát Bay, UBND tỉnh đã giao cho sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì cùng TP Phan Thiết và các ngành có liên quan xây dựng phương án đấu thầu để chọn đơn vị có năng lực quản lí và khai thác, thực hiện nghĩa vụ tài chính", ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận, cho biết.

Về lượng, du khách nội đến Bình Thuận lớn hơn khách ngoại. Nhiều người trong số này có mức chi tiêu cao hơn nhiều khách ngoại. Thiếu quan tâm, chăm sóc, thỏa mãn nhu cầu của họ thì khi đến Bình Thuận, họ không ồ lên ngạc nhiên bởi những sản phẩm mới lạ mà buộc phải la lên vì  rác và sự bất an.

Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, nơi tái hiện làng nghề truyền thống nước mắm Phan Thiết trải qua 300 năm

Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, nơi tái hiện làng nghề truyền thống nước mắm Phan Thiết trải qua 300 năm

Du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm Phan Thiết theo lối truyền thống tại bảo tàng Làng Chài Xưa

Du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm Phan Thiết theo lối truyền thống tại bảo tàng Làng Chài Xưa

Sản phẩm nước mắm tĩn vang danh một thời giờ được nâng cấp được coi là sản phẩm mới hút khách thời hậu covid

Sản phẩm nước mắm tĩn vang danh một thời giờ được nâng cấp được coi là sản phẩm mới hút khách thời hậu covid

Món lẩu thả Phan Thiết có một không hai của du lịch Việt Nam

Món lẩu thả Phan Thiết có một không hai của du lịch Việt Nam

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm