Bố đại phẫu, "quý tử" út ở nhà bận chơi game

Bảo Châu
04/08/2021 - 07:20
Bố đại phẫu, "quý tử" út ở nhà bận chơi game

Ảnh minh họa

Là con trai út duy nhất trong gia đình 4 anh chị em, cậu quý tử được cưng chiều như trứng mỏng. Dù đã đi làm, có lương, cậu nhất quyết không nộp đồng tiền sinh hoạt nào cho bố mẹ. Đến khi bố nhập viện, đại phẫu, cậu cũng kiên quyết không vào chăm vì bảo phải chăm con. Nhưng thực tế là làm "anh hùng bàn phím".

1. Đêm đã khuya, chuẩn bị lên giường đi ngủ, tôi giật mình khi thấy số điện thoại của cô bạn thân gọi. Chưa kịp chào hỏi, tôi đã thấy giọng bạn như sắp vỡ òa. Rồi bạn vừa nói vừa khóc kể, hồi chiều bố bạn đi cấp cứu, bệnh viện giữ lại luôn vì tắc ruột và giờ chuẩn bị mổ cấp cứu.

Bạn vừa sinh bé thứ hai chưa lâu nên không thể vào bệnh viện để xem ca phẫu thuật của bố thế nào. Giờ chỉ có mình mẹ bạn túc trực, vì dịch bệnh Covid-19 nên bệnh viện chỉ cho một người nhà đăng ký ở lại. Chồng bạn từ lúc biết tin còn chưa kịp ăn tối, chỉ "ôm" điện thoại gọi nhờ người nọ người kia hỗ trợ mẹ ở vòng trong. Dù biết là không vào được bệnh viện nhưng anh vẫn "phi xe" đến cổng để mẹ vợ cần gì thì có thể gọi, anh hỗ trợ ngay.

Điều khiến bạn buồn là bạn muốn em trai vào bệnh viện thay cho mẹ chăm sóc bố nhưng cậu ta thản nhiên nói: "Em cũng con nhỏ, mấy hôm nay nó quấy khóc suốt nên em ở nhà xem thế nào. Trong bệnh viện đã có mẹ trông bố rồi, có gì đâu mà chị sốt ruột?". "Đấy cậu xem, hai chị thì ở xa, không về được đã đành. Có đứa ở gần, những lúc như thế này lại không nhờ vả được gì. Không làm được gì cho bố mẹ những lúc thế này nên mình cảm thấy bất lực quá!", vừa nói bạn vừa khóc.

Nhà bạn có bốn chị em, chỉ có cậu út là con trai. Được bố mẹ cưng chiều, từ nhỏ cậu ta đã không phải động chân, động tay vào bất cứ việc gì trong nhà, lớn lên tìm việc làm cũng bố lo. Các chị lập gia đình, chỉ còn vợ chồng cậu em sống cùng bố mẹ. Nhưng chuỗi ngày sống chung đó, bạn càng thương bố mẹ nhiều hơn. Dù đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm nhưng hàng tháng vợ chồng cậu em không "nộp" đồng nào cho bố mẹ lo cơm nước. Tiền chợ và sinh hoạt trong nhà, bố mẹ bạn vẫn phải lo toàn bộ mấy năm nay. Cách đây vài năm khi có cháu nội, bố mẹ bạn còn lo thêm khoản tiền sữa, quà bánh cho cháu...

Bạn nói, nhìn mẹ ngày một héo hon vì chăm cháu, bạn thấy xót ruột quá. Bạn góp ý với em trai và em dâu nên tìm trường mầm non để gửi con, để mẹ được nghỉ ngơi thì bị em cho rằng "chị nhiều chuyện, mẹ không kêu gì, sao chị cứ thích can thiệp chuyện nhà người khác". Bạn bàn với chồng, mỗi tháng gửi biếu bố mẹ một khoản, coi như giúp bố mẹ vơi bớt gánh nặng...

2. Mấy hôm sau, cô bạn tôi lại gọi điện bức xúc kể. Ca phẫu thuật của bố bạn được coi là ca đại phẫu. Người bình thường hồi phục đã lâu, đằng này bố bạn còn có tiền sử bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Bác sĩ đã dặn phải để bố bạn được tĩnh dưỡng hoàn toàn. Vậy mà, khi bố bạn hỏi đến con út, mẹ bạn cho biết, nó không chịu vào vì còn phải ở nhà chăm con, mà con nó đã có vợ lo rồi, nó ở nhà cũng chỉ "ôm" máy chơi game. Tiền viện phí cũng là do con rể đưa... Chỉ nghe đến đó, huyết áp của bố bạn lại tăng vọt, phải cấp cứu. "Đấy, cậu xem, lúc nào cũng con trai, từ lúc sinh nó ra cái gì tốt đẹp nhất cũng thuộc về nó. Ba chị em mình bảo nhau học tốt, đi học đại học cũng để thoát khỏi cảnh như... người thừa trong nhà. Chính mẹ mình cũng thừa nhận là chưa bao giờ nhờ được con trai yêu quý việc gì. Nhiều lúc bà ức chế vì cách sống ích kỷ của nó nhưng có nói thì bố mình lại gạt phắt đi", bạn tôi thở dài kể.

Vợ chồng bạn tôi đã bàn nhau, đợi bố ra viện sẽ đón bố mẹ về ở cùng để tiện chăm sóc nhưng không biết có thuyết phục được bố bạn không. Bạn lo kiểu người với suy nghĩ cổ hủ "con trai là nhất" như bố bạn sẽ tiếp tục nghĩ cho con trước mà quên đi rằng bản thân mình mới là người đang cần được quan tâm, chăm sóc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm