pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ đội biên phòng xóa nhà tạm cho người dân ở biên giới tỉnh Tuyên Quang

Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận mang niềm hạnh phúc có nhà mới, kiên cố đến với hộ gia đình đặc biệt khó khăn
"Có nhà mới rồi, tôi chỉ mong vợ con trở về!"
Để giúp người dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên ổn định cuộc sống ở vùng biên, ngoài việc đến từng hộ gia đình tuyên truyền pháp luật, vận động người dân xoá bỏ tập tục lạc hậu, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đã thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với người dân.
Song, hình ảnh rõ nét gần đây nhất là ở những căn nhà thuộc diện "xóa nhà tạm, nhà dột nát" đều có cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nghĩa Thuận tham gia "làm thợ hồ". Các anh có mặt từ sáng sớm và xắn tay vào từ khâu đào móng, vận chuyển đồ xây dựng, đến dao phay, tay vữa…, giúp người dân xây dựng hoặc sửa chữa nhà, cho đến khi ngôi nhà hoàn thiện, khang trang, kiên cố… Các chiến sĩ biên phòng đã đem giấc mơ được "đổi đời" có nhà mới đến nhiều gia đình người dân tộc thiểu số nghèo ở vùng cao này.
Ngồi trong căn nhà cấp 4 mới xây, ông Giàng Chẩn Vàng (59 tuổi), thôn Tả Súng Chư, xã Nghĩa Thuận, vương nét buồn trên khuôn mặt già nua. Là hộ neo đơn, vợ ông mang theo 2 con bỏ đi đã 20 năm. Khi chúng tôi đến thăm, ông Vàng không biết nói tiếng Kinh, 2 bàn tay cứ nắm chặt vào nhau bối rối với nụ cười biết ơn, chào đón khách.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Nghĩa Thuận tham gia "làm thợ hồ" ở những căn nhà cần "xóa nhà tạm"

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận và Hội LHPN xã đến thăm, động viên ông Giàng Chẩn Vàng (giữa, 59 tuổi), thôn Tả Súng Chư, trong căn nhà vừa xây xong
Trước khi có nhà mới, ông Vàng sống trong căn nhà cũ nát, không có điện và nước sinh hoạt. Hàng ngày ông đi làm thuê, lấy củi bán kiếm sống, tối thì dùng đèn dầu hoặc bếp lửa làm ánh sáng. Nước thì ông gùi từng can ở khe dưới chân núi lên. Do hoàn cảnh nghèo, giấc mơ có căn nhà mới với ông quá xa vời. "Anh tôi già rồi, ở một mình trên núi cô quạnh bao năm rất khổ. Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương, gia đình vận động anh tôi xuống núi, còn hỗ trợ tiền "xóa nhà tạm" để xây dựng căn nhà cấp 4, rộng 40m2 này cho anh Vàng. Ở nhà mới gần người thân, gia đình cũng tiện đỡ đần, hỗ trợ anh tôi lúc ốm đau, thiếu đói" - em trai ông Vàng vừa địu cháu nhỏ, vừa chia sẻ.
Trước ngày giao nhà, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận còn vận động thêm tiền của mạnh thường quân, mua một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu tặng ông Vàng. Căn nhà được bàn giao tháng 12/2024, để ông Vàng kịp đón Tết trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của anh em gia đình, hàng xóm, bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương. "Có nhà mới rồi, có điện sáng, có nước sinh hoạt đầy đủ, giờ tôi chỉ mong vợ con trở về thôi" - người em trai phiên dịch giúp lời ông Vàng, bày tỏ niềm hy vọng và hạnh phúc lớn nhất trong đời mình.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận nỗ lực góp công sức để căn nhà "xóa nhà tạm" được sớm hoàn thành cho người dân
Hạnh phúc đến với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn
Trái với căn nhà lặng lẽ của ông Vàng, gia đình anh Hầu Mí Hầu (SN 1997), dân tộc Mông, ở thôn Mố Lùng, xã Cán Tỷ, từ khi được "xóa nhà tạm" luôn tràn đầy tiếng cười trẻ con trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố.
Thiếu tá Lưu Xuân Bẩy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, nhớ lại: "Gia đình anh Hầu Mí Hầu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ anh thường xuyên đau yếu, gia đình lại đông con. Lúc chúng tôi tới khảo sát, ngay cả vật dụng sinh hoạt thiết yếu trong nhà anh Hầu cũng không có, gia đình không chăn nuôi gì. Căn nhà cũ rộng 30 mét vuông bằng trình tường đất, ngói lợp proximăng đã xuống cấp trầm trọng, thủng lỗ chỗ. Vào mùa mưa bị dột, cả nhà đều không thể ngủ yên đêm nào. Đơn vị đã vận động gia đình anh Hầu tham gia chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" của Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh".
"Lúc đầu, vợ chồng anh Hầu con lo lắng vì gia đình không có tiền tích góp, lại lo số tiền hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng không đủ xây nhà mới. Sau khi thấy rõ sự quyết tâm và tấm lòng của bộ đội, gia đình anh đã đồng ý phá bỏ nhà cũ, xây mới khang trang như bây giờ", Thiếu tá Lưu Xuân Bẩy kể.

"Xoá nhà tạm, nhà dột nát", giúp bà con an cư, lạc nghiệp
Niềm hạnh phúc gia đình cũng lan toả trong căn nhà mới của ông Giàng Ngán Sài (SN 1972), dân tộc Mông, ở thôn Khủng Cáng, xã Nghĩa Thuận. Từ hộ đặc biệt khó khăn, gia đình ông Ngái được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ xây nhà mới từ tháng 12/2024, bàn giao tháng 5/2025.
"Cả đời tôi chưa bao giờ dám mơ có nhà mới, giờ vợ con được sống trong nhà đẹp nên rất vui, gia đình tôi biết ơn bộ đội Biên phòng và đoàn thể địa phương. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh các anh bộ đội Biên phòng ngoài giúp tiền xây nhà, còn cùng chính quyền địa phương tự tay xây căn nhà cho gia đình tôi đến khi hoàn thành. Vợ chồng tôi giờ đã yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, sẽ nuôi dạy các con nên người" - ông Giàng Ngán Sài cười vui bộc bạch.
Quyết tâm giúp bà con dân tộc thiếu số "xóa nhà tạm"
Thiếu tá Lưu Xuân Bẩy cho biết: "Địa bàn nơi Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận quản lý còn nhiều khó khăn, thời tiết khắc nhiệt, thường xuyên xảy ra mưa to, lũ quét, sạt lở đất, đá, giao thông đi lại nhiều đoạn khó do dốc cao, núi đá, nhất là đường đến một số thôn giáp biên giới... Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, đất canh tác của đồng bào rất thiếu, do nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu của cao nguyên đá. Do đó, việc phát triển kinh tế gia đình của bà con gặp rất nhiều khó khăn, các hộ đều rất khó để tự xây được căn nhà kiên cố cho gia đình".

Con đường tuần tra biên giới luôn có sự góp sức của người dân tộc thiểu số vùng biên giới nơi này
Theo Thiếu tá Lưu Xuân Bẩy, sau thời gian cán bộ, chiến sĩ đơn vị nỗ lực hết mình, đến nay chương trình "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn biên giới Nghĩa Thuận đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Các hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà mới đều ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.
"Trong quá trình triển khai chương trình "Xoá nhà tạm, nhà dột nát", đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ thêm kinh phí xây nhà" - Thiếu tá Lưu Xuân Bẩy chia sẻ thêm.
Theo kế hoạch, mỗi gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà từ Quỹ "xóa nhà tạm, nhà dột nát" của Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhưng do vật liệu ở vùng cao giá đắt hơn so với vùng xuôi, trong khi các hộ gia đình cần "xoá nhà tạm" hầu hết là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, không có nguồn tài sản tích trữ. Để hoàn thiện được căn nhà kiên cố, phải có từ 100 đến 120 triệu đồng/nhà.
"Do vậy, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Đồn phải nhiều lần kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn, đơn vị kết nghĩa chung tay góp sức. Còn lại, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đóng góp bằng tiền lương và ngày công lao động, với quyết tâm giúp bà con dân tộc thiếu số trên địa bàn biên giới "xóa nhà tạm, nhà dột nát", giúp bà con an cư, lạc nghiệp, cùng bộ đội Biên phòng xây dựng và bảo vệ bình yên biên giới" - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận chia sẻ.

Người dân an cư, lạc nghiệp, yên tâm cùng bộ đội Biên phòng xây dựng và bảo vệ bình yên biên giới