Bộ "mở đường" cho tuyển sinh lớp 6 bằng sát hạch

19/12/2017 - 17:33
Tuyển sinh lớp 6 bằng bài đánh giá là nội dung vừa được Bộ GD&ĐT đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Nhiều phản hồi tích cực về nội dung này khi cho rằng nếu làm tốt sẽ hạn chế tình trạng “chạy” điểm học bạ hoặc “mua” giải..

“Cứu cánh” cho trường hot?

Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Dự thảo này sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành.

Thông tư hiện hành kèm quy chế tuyển sinh THCS và THPT quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”. Nội dung này được Bộ GD&ĐT sửa đổi bổ sung theo dự thảo mới như sau: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Tuyển sinh lớp 6 được phép thi tuyển bằng bài đánh giá năng lực. Ảnh minh họa

Theo Bộ GD&ĐT, về mặt nguyên tắc, việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công thì mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.

Một điều mới được bổ sung ở dự thảo Tuyển sinh liên quan đến đối tượng tuyển thẳng, đó là thay vì tuyển thẳng HS đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học từ cấp tỉnh, thì nay siết chặt hơn. Theo đó, chỉ tuyển thẳng với học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay.

Đồng tình nếu tổ chức tốt

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam sáng 19/12, bà Ngô Mỹ Lệ - Hiệu trưởng THCS Khương Thượng (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bà rất đồng tình với phương án bài kiểm tra đánh giá năng lực. Bởi theo bà, nếu tổ chức tốt, cách này sẽ rất phù hợp với những trường muốn nâng cao chất lượng đầu vào.

Tuy nhiên, nữ hiệu trưởng cũng băn khoăn bởi có vẻ như dự thảo Quy chế này chỉ hướng đến với những “địa chỉ” nhất định, bởi hiện tại theo quy chế rất chặt của Sở GD&ĐT Hà Nội, tất cả các trường học trên địa bàn Sở đều bị cấm mọi hình thức thi tuyển đầu vào.

“Ngay cả việc Bộ GD&ĐT không công nhận trường chuyên, lớp chọn với cấp THCS cũng làm khó cho nhiều trường trong việc tuyển đầu vào và dù có tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực thì cũng không mấy ý nghĩa!”- bà Lệ cho hay.

Một điều khiến bà Ngô Mỹ Lệ băn khoăn là không rõ quy định bổ sung này sẽ có hiệu lực từ lúc nào, bởi nếu áp dụng luôn cho năm học tới thì quá vội vã.

“Hiện nay, tất cả công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT mà trường tôi nhận được là không được phép làm bài kiểm tra đầu năm để tuyển đầu vào cũng như phân lớp. Bây giờ Bộ GD&ĐT cho phép thi thì phải cho “địa chỉ” nào và vào lúc nào. Sở thì cấm mà Bộ lại “mở đường” thì tôi không rõ sẽ như thế nào!”- bà Lệ nói.

Liên quan đến việc “siết” giải thưởng tuyển thẳng vào lớp 6 chỉ với học sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, nhiều phụ huynh tỏ vẻ đồng tình. Chị Bùi Lê Mai (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 5, cho biết, con chị có nhu cầu được tuyển đầu vào lớp 6 mang tính cạnh tranh lành mạnh.

“Nếu chỉ giải cấp tỉnh, không ngăn được tình trạng “chạy” giải. Cấp Quốc gia thì độ tin tưởng sẽ cao hơn và tôi nghĩ các con xứng đáng hơn. Còn với những cháu có nhu cầu cạnh tranh năng lực công bằng để có cơ hội vào trường mình yêu thích bằng chính năng lực, tôi nghĩ bài đánh giá năng lực là một phương án hữu hiệu!”- chị Mai cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm