Như PNVN đã đưa tin, ngày 21/11, tại Nghệ An, một người đàn ông có biểu hiện ngáo đá đã bế con khoảng hơn 1 tuổi trèo lên nóc nhà 3 tầng đi tìm vợ. Người đàn ông này đã cắp con trong tay nhảy liên tục từ nóc nhà này qua các nóc nhà khác khiến đứa bé sợ hãi khóc thét. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã đưa phao, đệm hơi đến và mượn chăn, đệm của người dân để dưới các ngôi nhà và các trục đường đề phòng người này ném đứa trẻ xuống. Sau hơn 2 tiếng, người đàn ông này bất ngờ thả tay khiến cháu bé rơi theo mái tôn xuống đất và được người trong tổ cứu hộ đỡ được.
Nhiều người đặt câu hỏi: Người đàn ông đó có bị xử lý không? Nếu có thì sẽ bị xử lý theo tội gì?
Về vụ việc này, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, người đàn ông đó có thể bị xử lý về “Tội cố ý gây thương tích” hoặc “Tội giết người”.
Luật sư này phân tích, pháp luật chưa có quy định riêng biệt đối với người phạm tội trong tình trạng bị kích thích do nghiện ma túy, do “ngáo đá”. Tuy nhiên, Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định chung là người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người đàn ông này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc trên, người đàn ông này đã thả đứa bé xuống đất và ở dưới lực lượng chức năng đã căng đệm hơi, chăn để đón. Tuy nhiên tùy vào những tình tiết cụ thể cơ quan tiến hành tố tụng có thế định tội danh.
Thứ nhất, nếu người đàn ông này cố ý thả đứa đứa bé vào chăn, đệm hơi thì sẽ bị xử về Tội Cố ý gây thương tích, theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tình tiết tăng nặng của tội danh này là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ (khoản d, Điều 104).
Với trường hợp này, người đàn ông có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thứ hai, nếu người đàn ông này cố ý thả đứa bé ra ngoài tấm chăn, đệm nhưng cơ quan công an đã đỡ được thì sẽ bị xử lý về “Tội giết người” theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo khoản 1, Điều 123 thì mức phạt trong trường hợp này từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ở trường hợp trên, người đàn ông có hành vi cố ý giết người nhưng người bị hại không chết nên được coi là phạm tội chưa đạt. Theo Điều 15, Bộ luật Hình sự 2015: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Do phạm tội chưa đạt, nên cơ quan chức năng sẽ áp dụng khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức hình phạt sẽ không quá ba phần tư mức phạt tù của tội giết người.