Buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và thiếu tướng Lương Tam Quang, người phát ngôn Bộ Công an.
Trung tướng Trần Văn Vệ, khẳng định: Bỏ hộ khẩu, không có nghĩa bỏ quản lý con người. Hiện nay quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành cùng thực hiện. Để đảm bảo mục tiêu và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Tuy nhiên công tác dân cư chủ yếu quản lý theo hình thức thủ công.
Khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà. Vì vậy Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hoá thủ tục hành chính về quản lý dân cư.
Quốc hội đã ban hành luật và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông qua việc thu thập thông tin của công dân sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Để cơ quan nhà nước nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, chi phí, thời gian đi lại của công dân. Thông tin về dân cư được xây dựng với mục tiêu chia sẻ thông tin, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo.
Tóm lại, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung 15 trường thông tin mà các chuyên ngành nào cũng dùng đến như y tế, bảo hiểm xã hội... Công dân chỉ cần mang thẻ căn cước hoặc nhớ số định danh, cơ quan chức năng sẽ truy cập từ cơ sở để có các thông tin cần thiết.
"Sau này khi cơ sở dữ liệu cư dân và việc cấp mã số định danh hoàn tất sẽ bỏ sổ hộ khẩu", Trung tướng Vệ cho biết.
Ông Vệ cũng thông tin: "Nói bỏ chứng minh nhân dân là không đúng. Năm 2014, Luật căn cước công dân ra đời nên tên chứng minh nhân dân đổi sang căn cước công dân. Nhưng từ 1/1/2020 thì công dân chỉ dùng căn cước công dân. Nếu bây giờ dùng chứng minh nhân dân thì vẫn còn hiệu lực theo thời hạn ghi trên chứng minh nhân dân”.
Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện dự án và tối đa 2-3 năm nữa mới có lộ trình bỏ sổ hộ khẩu. Bộ Công an dự kiến đến năm 2020, khi xong cơ sở dữ liệu quốc gia, sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Thiếu tướng Lương Tam Quang giải thích thêm: Bãi bỏ đang ký bằng số hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân không có nghĩa là "bỏ quản lý". Đây là thay đổi hình thức quản lý để không còn thủ công, rườm rà như trước. Để làm được việc này phải có lộ trình.
Bộ Công an dự kiến đến năm 2020 sẽ tham mưu sửa đổi một luật, bảy nghị định và năm thông tư liên tịch, gần 20 thông tư của bộ để phù hợp với việc quản lý này.
Trước đó, ngày 30/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 đưa ra nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Cụ thể, các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và một số loại giấy tờ khác sẽ bị bãi bỏ, thay thế vào đó chúng sẽ được cập nhật vào dữ liệu dân cư quốc gia, công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân để Nhà nước quản lý.