Bỏ sổ hộ khẩu: Sẽ hết cảnh “chạy” trường?

06/11/2017 - 15:22
Giới luật sư cho rằng, khi sổ hộ khẩu được loại bỏ thì người dân sẽ được hưởng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, tuyển dụng... công bằng, không còn bị hạn chế bởi ranh giới cư trú theo sổ hộ khẩu.

Một thời “hậu khổ”!

Thời bao cấp, cuốn hộ khẩu là một trong số ít tài sản quý giá nhất trong nhà. Từ mua gạo, thực phẩm, vải vóc, nhu yếu phẩm, tang ma, cưới hỏi, phân phối nhà cửa, đồ dùng… tất cả đều phải cần đến hộ khẩu! Chính vì quá khổ với hộ khẩu, nên nhiều người mới "nói lái" hộ khẩu thành... "hậu khổ".

Những năm gần đây nỗi ám ảnh ấy đã bớt đi, nhưng xin học cho con vẫn là một trong những việc mà cuốn hộ khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, những năm đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 là khoảng thời gian mà nhiều bậc cha mẹ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vô cùng tủi cực, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để nhờ vả tìm trường cho con.

1.jpg
Chạy trường đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ huynh

 

Với tiêu chí như thời gian qua của ngành giáo dục (nhất là những trường ở trung tâm, trường có thương hiệu) là phải có hộ khẩu thường trú thì mới được vào học đúng tuyến, hoặc phải có tạm trú từ 3 năm mới được tuyển vào học ở các trường trên cùng địa bàn. Nếu không có hộ khẩu thì phải “chạy” học trái tuyến, rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là rất tốn kém và phải chấp nhận “thỏa hiệp” với tiêu cực.

Ngay cả khi Bộ GD&ĐT ra văn bản nghiêm cấm chuyện "chạy" trường, "chạy" lớp, học trái tuyến, tiếp đó là các Sở GD&ĐT cùng đồng thanh siết chặt việc tuyển học sinh trái tuyến ở các cấp học từ năm 2016, thì chuyện “chạy” trường vẫn âm thầm diễn ra. Người có vị thế xã hội, có mối quan hệ quen biết thì nhờ vả, những người lao động thì bắt buộc phải nhờ “cò” trung gian để chạy trường cho con. Có vẻ như, ngành Giáo dục “siết” càng chặt thì tình trạng tiêu cực trong việc “chạy” trường càng được đẩy giá lên cao!

Hết hộ khẩu, hết chạy trường?

Những ngày đầu tháng 11/2017, người dân cả nước vui mừng đón nhận chủ trương bỏ hộ khẩu, quản lý công dân theo số định danh ghi trên Thẻ căn cước công dân.

3.jpg
Khi bỏ hộ khẩu, nhiều khả năng gia đình học sinh ở đâu thì sẽ được tuyển sinh vào trường ở khu vực đó

 

Với quy định mới, khái niệm “thường trú” sẽ không còn cứng nhắc với những dòng chữ ghi rất cụ thể về địa chỉ đăng ký trên cuốn sổ hộ khẩu nữa. Khái niệm này sẽ được hiểu theo cách linh hoạt hơn – theo nơi cư trú của công dân được cập nhật theo số định danh cá nhân.

Vì thế, mặc dù cho đến giờ ngành Giáo dục chưa có chủ trương chính thức, nhưng quan điểm của nhiều cán bộ ngành Giáo dục và giáo viên đều cho rằng, việc tuyển sinh vào một trường nào đó nên căn cứ vào chỗ ở thực tế của gia đình học sinh - kể cả những trường hợp phụ huynh học sinh không phải là chủ sở hữu ngôi nhà mà ở nhờ hoặc thuê mướn.

“Chỉ cần UBND phường, xã hoặc công an khu vực xác nhận học sinh có sinh sống trên địa bàn là được tuyển vào học. Riêng đối với những trường nổi tiếng, chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình vào học. Trường hợp này nên xem xét các yếu tố như: Cha mẹ học sinh có làm việc ở gần trường không, bán kính là bao nhiêu thì có thể nhận vào…”, một số giáo viên tại quận 1, TPHCM cho biết quan điểm.

4.jpg
Việc đưa con vào các trường tốt, có "thương hiệu" sẽ không còn quá nhiêu khê, và nhất là không phải "chạy"

 

Theo họ, tuyển sinh theo cách này có thể sẽ gây khó khăn, phiền phức cho các cơ quan chức năng nhưng đổi lại quyền lợi được học tập ở gần nhà của học sinh sẽ được bảo đảm.

Ở góc độ của một nhà quản lý giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM – cho biết: "Sở sẽ bàn bạc và đề xuất phương án tuyển sinh đầu cấp với UBND thành phố. Trong đó, sẽ ưu tiên những học sinh cư trú ở gần trường, đảm bảo cho việc di chuyển của học sinh thuận tiện nhất có thể đồng thời làm giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay". 

Về quan điểm cá nhân, ông cho biết: "Các trường tiểu học, THCS sẽ tuyển sinh lớp 1, lớp 6 đối với con em nhân dân đang cư trú trên địa bàn theo bán kính của nhà trường. Bán kính này rộng hay hẹp phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng học sinh trong độ tuổi trên địa bàn đó. Đối với những trường nổi tiếng nhưng lại nằm giáp ranh với những quận, huyện khác, các quận cần có sự thống nhất để tuyển sinh ở những điạ bàn giáp ranh, sao cho người dân đi lại thuận tiện nhất”.

Nếu những điều này trở thành hiện thực, thì tình trạng “chạy” trường như những năm trước có thể sẽ không còn tồn tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm