Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh

PVH
03/03/2020 - 20:47
Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh
Tại buổi họp báo phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra chiều nay (3/3), lãnh đạo Bộ Tài chính đã phản hồi lại ý kiến cho rằng: Đề xuất về mức chịu thuế mới và mức giảm trừ gia cảnh nhưng chưa áp dụng thì đã lạc hậu với thực tiễn cuộc sống.

Hôm nay (3/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ, xem xét thảo luận việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020; cũng như đánh giá công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Trong đó đánh giá, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh….

Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo phiên họp này. Thông tin được nhân dân cả nước đặt biệt quan tâm là mới đây, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất mới về mức chịu thuế thu nhập cá nhân và ngưỡng giảm trừ gia cảnh. 

Mức chịu thuế mới là 11 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng/người. Nhiều ý kiến người dân và chuyên gia cho rằng đây là đề xuất lạc hậu với thực tiễn cuộc sống hiện tại của người dân.

Trả lời câu hỏi của báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cho biết: Bộ Tài chính đã có văn bản số 2137 ngày 28/2 gửi xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập cá nhân. Việc điều chỉnh này được căn cứ vào Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.

Theo dữ liệu của ngành Thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người với tổng số thu ngân sách Nhà nước đạt trên 79.219 tỷ đồng. Nếu áp dụng các mức giảm trừ như đề xuất thì dự kiến giảm thu ngân sách Nhà nước xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng.

Theo Khoản 4, Điều 1, Luật này quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập và giảm trừ gia cảnh - Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài Chính

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Theo bà Vũ Thị Mai, việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo Khoản 4 Điều 1 của Luật nói trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6/2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%.

Theo đúng quy định, "Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả", bà Vũ Thị Mai nói.

Trước đó, sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản biện và cho rằng mức đề xuất nói trên là chưa phù hợp, chưa áp dụng thì đã lạc hậu. Bộ Tài chính dựa trên chênh lệch giữa chỉ số giá từ tháng 7/2013 đến cuối năm 2019 để đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới. Qua đó, người nộp thuế phải chịu thiệt vì mức giảm trừ gia cảnh không theo kịp diễn biến thực tế, chưa áp dụng đã lạc hậu, chính sách không bắt kịp với thực tế đời sống.

Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, theo Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm