pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bỏ tập ăn Tết, Bảo Thy “đỏ mặt tía tai” ngày trở lại: Nàng chớ dục tốc bất đạt
Dân gian có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” quả không sai. Ngoài việc dọn dẹp và chuẩn bị đón Tết, chúng ta dành phần lớn thời gian cho việc tụ họp, hội hè, du xuân,... và thường có xu hướng lười biếng hơn mọi ngày. Phần vì bận đón Tết, phần vì mong muốn tận hưởng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong năm, nhiều chị em đã bỏ bê luôn việc giữ gìn vóc dáng.
Chẳng nói đâu xa, chính Bảo Thy - người đẹp chăm giảm cân bậc nhất năm 2020 cũng bỏ tập hẳn 10 ngày để ăn Tết. Thời gian nghỉ tương đối dài đã mang lại khó khăn nho nhỏ cho nữ ca sĩ trong ngày trở lại con đường tập tành:
Trở lại tập luyện sau khi nghỉ ngơi ăn Tết, Bảo Thy chia sẻ tình trạng đuối sức nhẹ vì vận động với các triệu chứng “đỏ mặt tía tai” và nhịp tim đập loạn xạ. Đây là tình trạng thường thấy khi tập luyện ở cường độ cao, nhất là sau 1 thời gian dài nghỉ ngơi và cơ thể chưa quen với nhịp điệu vận động.
Trong năm qua, Bảo Thy khá tích cực trong việc giảm cân giữ dáng. Ngoài việc áp dụng các chế độ ăn kiêng hà khắc, cô nàng còn chăm chỉ tập luyện bằng cách đạp xe hay tập gym.
Nhờ quản lý bản thân tốt và chăm chỉ tập luyện nên Bảo Thy sở hữu vóc dáng khá chuẩn, vừa đủ mảnh mai nhưng không kém phần săn chắc. Giọng ca từng gây sốt vì khả năng giảm cân nhanh chỉ trong 1 tuần.
Việc nghỉ tập giữa chừng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương và đuối sức cho phái đẹp trong ngày khởi động lại. Sở dĩ Bảo Thy không gặp quá nhiều khó khăn là vì cô có sức khoẻ tốt dựa vào thâm niên tập luyện và tính chất công việc đòi hỏi sức bền cao.
Trên thực tế, việc dừng tập thể dục đột ngột có thể gây ra nhiều phản ứng tiêu cực cho cơ thể như làm giảm sức mạnh cơ bắp và gây tăng cân. Chỉ sau 1 tuần nghỉ tập, cơ bắp sẽ mất dần khả năng tự đốt mỡ và chỉ sau 2 ngày nghỉ, huyết áp sẽ tăng đáng kể. Những phản ứng trên sẽ làm giảm phong độ tập luyện của nàng trong ngày trở lại. Do đó, chị em không nên “dục tốc bất đạt” mà cần kiên nhẫn hơn với cơ thể và “nằm lòng” những lưu ý dưới đây:
1. Khởi động kỹ càng
Phần lớn các bộ môn vận động đều có 3 phần là khởi động, tập nội dung chính và thả lỏng. Khởi động giúp hạn chế chấn thương, tăng sự linh hoạt và dẻo dai cho các cơ và khớp. Ngoài ra các động tác khởi động nhẹ nhàng cũng giúp tăng nhịp chậm rãi và làm ấm cơ thể, tránh cho cơ thể bị “sốc” trước khi bước vào bài tập chính.
Các động tác khởi động cơ bản bao gồm xoay các cơ khớp, chạy bước nhỏ, chạy tại chỗ và căng giãn cơ.
2. Cường độ tập luyện hợp lý
Điều quan trọng nhất trong tập luyện là thấu hiểu cơ thể và điều chỉnh cường độ tập luyện phù hợp với từng thể trạng. Trong chạy bộ, sau 10 ngày bỏ tập, bạn nên bắt đầu lại với khối lượng tập luyện bằng 70% so với trước đây. Càng bỏ tập lâu, cơ thể càng mất nhiều thời gian để làm quen và thích ứng nên cường độ tập luyện cũng cần giảm xuống nhiều hơn. Thông thường sau 3 tháng nghỉ ngơi, bạn sẽ phải tập lại từ đầu.
Cách tốt nhất để bắt đầu tập luyện trở lại là vận động nhẹ nhàng và tăng dần cường độ tuỳ theo tình trạng sức khoẻ. Tuy nhiên bạn không được tăng quá 10% khối lượng bài tập của tuần này so với tuần trước.
3. Tập thêm các bài tập bổ trợ
Một số bài tập về hơi thở, giãn cơ hay tăng sức bền sẽ giúp bạn “bắt nhịp” với việc tập luyện nhanh hơn. Nàng có thể tự tập ở nhà các động tác plank, squat, thở cơ hoành, đá chân,... để nhanh chóng trở lại cường độ tập luyện trước đây.
Các bài tập bổ trợ giúp tăng sức bền và sự dẻo dai, rất có ích trong việc luyện tập.