Nhằm giới thiệu và thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, ngày 17/9, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã hợp tác với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo giới thiệu ngân sách có trách nhiệm giới hướng tới việc thực hiện Luật Ngân sách sửa đổi 2015 nhằm mục đích nâng cao hiểu biểu của các đại biểu dân cử và HĐND các cấp.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - nêu rõ, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản về BĐG, trong đó có lồng ghép BĐG trong xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật. Triển khai nguyên tắc này, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã đưa BĐG vào nguyên tắc quản lý NSNN và trở thành một căn cứ để lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Bà Lê Thị Nguyệt khẳng định, quan điểm lồng ghép BĐG vào quá trình xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 là tiền đề quan trọng để đạt tới mục tiêu bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về khung luật pháp của Việt Nam trong việc thúc đẩy, thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới. Đồng thời, tiến hành đánh giá việc bảo đảm nguyên tắc BĐG trong quy trình ngân sách; thực hiện quy định về bảo đảm trách nhiệm giới trong ngân sách; kinh nghiệm của thế giới…
Theo bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam - Luật NSNN năm 2015 khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vấn đề BĐG bằng việc thông qua các nguyên tắc BĐG trong việc lập và chi tiêu NSNN. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện những nguyên tắc này như xây dựng cơ chế làm việc giữa cơ quan tài chính và các bên liên quan, cũng như phát huy tiếng nói của các tổ chức dân sự trong việc giám sát các dịch vụ công cho các nhóm xã hội.
Bàn về vấn đề này, các đại biểu nhấn mạnh, ngân sách chi cho mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới không phải tạo dòng ngân sách riêng cho phụ nữ hoặc chỉ tăng chi tiêu cho các chương trình phụ nữ. Bố trí ngân sách cần bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ. Từ góc nhìn này, các chuyên gia chỉ rõ, dù bố trí ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia hay một số chính sách an sinh xã hội đã chú ý bảo đảm cho thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, song khi triển khai vẫn chưa thực sự bám sát mục tiêu này, có nhiều hoạt động còn thể hiện bất bình đẳng giới. Do vậy, trong thời gian tới, cần thực hiện nghiêm túc việc phân tích, nhận diện về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hàng năm nói riêng, cũng như các chính sách quản lý nhà nước nói chung.
Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - thực tế đã bố trí NSNN trực tiếp cho nhiệm vụ có đối tượng thụ hưởng là phụ nữ: Kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của chính phủ năm 2018 là 15 tỷ đồng, năm 2019 là 10 tỷ đồng; Kinh phí thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ năm 2018 là 5 tỷ đồng và 2019 cũng 5 tỷ đồng. NSNN còn được chi trong việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất 1.500 triệu đồng, Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020, Đề án trang tin điện tử phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài…
Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số - khẳng định tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và ngân sách có trách nhiệm giới trong triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái vùng sâu, vùng xa. Các chuyên gia tư vấn của UN Women còn chia sẻ các vấn đề về giới ở Việt Nam; công cụ, quy trình lâp ngân sách và các điểm can thiệp vận dụng ngân sách có trách hiệm giới; chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế lồng ghép vấn đề giới trong lập kế hoạch và hoạch định chính sách.