Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chương trình dạy tiếng Anh sẽ rẻ, dễ và chất lượng

10/12/2018 - 16:53
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sẽ "xóa bỏ độc quyền chương trình tiếng Anh trong nhà trường" để "cả những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp cũng vẫn có thể đi học tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế được".
Trao đổi bên lề sự kiện đón tiếp các đơn vị giáo dục Anh của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội mới đây, trả lời câu hỏi của PV về đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai (bên cạnh tiếng Việt), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đang triển khai mạnh nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, và “chương trình dạy học tiếng Anh phải rẻ, dễ, nhưng vẫn phải chất lượng”.
 
nha.jpg
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Làm sao giáo dục phải “quốc tế hóa tại Việt Nam” chứ không cần phải ra nước ngoài để quốc tế hóa" 
 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Dư luận thì đã nói rất nhiều rồi, phía Bộ GD-ĐT đề xuất lên Chính phủ và hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn đề án đến năm 2020 theo hướng phải xây dựng và hợp tác mạnh về lĩnh vực tiếng Anh. Mục tiêu là phải sao cho quảng đại quần chúng, nhiều người đều biết tiếng Anh. Sắp tới, Bộ sẽ khuyến khích cũng như chỉ đạo các trường đại học các trường phổ thông tập trung vào các chương trình dạy và học tiếng Anh trong nhà trường với chuẩn của trường ĐH Cambridge (Anh).

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường khảo thí để đánh giá chất lượng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế đối với chương trình. Phải cố gắng để sao cho chất lượng về tiếng Anh của chúng ta phải được quốc tế công nhận. Đồng thời, cũng phải xã hội hóa vấn đề dạy và học cũng như đánh giá trình độ tiếng Anh nói chung, đây là điều rất quan trọng”.
 
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong chương trình dạy và học tiếng Anh, một mặt Bộ GD-ĐT hướng đến phổ cập tiếng Anh cho nhiều người, nhưng mặt khác, Bộ cũng đề nghị phải có sự chọn lọc các đối tượng trọng điểm để chương trình đi vào chiều sâu. “Chúng ta cần phải mở rộng để cho các tổ chức quốc tế họ vào Việt Nam đầu tư, và trên cơ sở chương trình đó, khi có điều kiện rồi thì chúng ta dạy và học tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn”, ông Nhạ nói.
 
“Quan điểm của tôi là chương trình dạy học tiếng Anh phải hướng đến mục đích là người học phải tiếp cận với tiếng Anh đẳng cấp quốc tế sao cho thuận lợi nhất, rẻ nhất và dễ dàng nhất, chứ không có chuyện độc quyền trong cái chương trình dạy học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Nhạ chia sẻ thêm: “Trong chuyến đi Anh quốc sắp tới, tôi sẽ gặp gỡ đại diện các trường đại học của Anh để đàm phán, phải làm sao có thể tạo ra các cơ hội tốt cho người Việt Nam và cho thế hệ trẻ Việt Nam về học tiếng Anh. Học tiếng Anh ở đây không chỉ là với những người có tiền mới có thể học mà ngay cả những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp cũng vẫn có thể đi học tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế được. Cái chính là phải tạo điều kiện để người ta có thể tiếp cận được với giáo dục quốc tế tại Việt Nam và phải nói tiếng Anh được như người bản xứ”.
 
Về hợp tác quốc tế, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cơ hội hợp tác về giáo dục của Việt Nam với quốc tế là rất lớn, đây cũng là cơ hội để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế và đạt trình độ cao.
 
phungxuannha3.jpg
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các đối tác Anh quốc. Ảnh: H.S

Ông Nhạ cho hay: “Hội nhập ở đây là hội nhập hai chiều và cả đa chiều chứ không phải là chỉ có một chiều. Tôi thấy có rất nhiều triển vọng về phát triển giáo dục của Việt Nam, nhất là khi chúng ta kết hợp được với các trường đại học và các cơ sở giáo dục của nước ngoài. Hiện nay tôi đang xúc tiến đàm phán với các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong đó các Hội đồng Anh và Trường ĐH Cambridge nhằm hỗ trợ cho việc đào tạo của Việt Nam.

 

Tôi dự tính sẽ mời họ làm khảo thí tiếng Anh cho chương trình dạy và học tiếng Anh của Việt Nam, vì như vậy sẽ vừa giảm được chi phí đầu tư của nhà nước, đồng thời chất lượng của ta cũng sẽ được quốc tế công nhận. Đây là nội dung mà sắp tới chúng tôi sẽ mạnh, trọng tâm đó là làm sao phải "quốc tế hóa" giáo dục Việt Nam chứ người Việt không cần phải ra nước ngoài để học quốc tế”.

 
Cũng theo ông Nhạ, việc “quốc tế hóa” giáo dục trong nước sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học ở trong nước vẫn đạt “chất lượng và đẳng cấp quốc tế” mà không cần thiết phải ra nước ngoài du học. Điều này vừa giúp giảm chi phí cho gia đình, tránh chảy máu ngoại tệ, tạo thuận lợi cho người học.
 
“Các trường đại học của Anh và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao thành tựu giáo dục của Việt Nam và họ muốn đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ đưa chương trình đào tạo, thậm chí là mở cơ sở, chi nhánh hoặc lập trường tại Việt Nam để đào tạo. Khi đó, sẽ có nhiều học sinh, sinh viên của Việt Nam học các chương trình đào tạo của Anh, tốt nghiệp bằng cấp của Anh và quốc tế mà không cần phải ra nước ngoài du học, điều này phần nào cũng giúp giảm thất thu ngoại tệ cho nhà nước”, Bộ trưởng Nhạ nói.
 
Người Việt gia tăng "tị nạn" giáo dục
 
Trước đó, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm 2017 Việt Nam có hơn 100.000 du học sinh đang học tập ở nước ngoài, trong đó hơn 90% là tự túc.
 
Còn theo báo cáo “Học tập cho tương lai” (Learning for life) do do HSBC công bố, bình quân mỗi năm người Việt tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ USD cho con đi du học, bằng 1% GDP. Theo bản báo cáo, qua quá trình khảo sát cho thấy, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng cao về mặt giáo dục cho con cái. Hơn 50% phụ huynh cho rằng bằng tốt nghiệp đại học là chuẩn tối thiểu cần phải có để con cái họ có thể đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời.
 
Nhiều phụ huynh khi được hỏi đã thẳng thắn cho rằng nên cho con cái đi du học bởi qua đó du học sinh mới có thể học tập được kiến thức, kỹ thuật, tiếp thu những tinh hoa văn minh của nhân loại. Thực tế, nhiều người còn coi du học là “cửa sinh” khi lựa chọn con đường đi cho tương lai của con em mình trong khi cho rằng môi trường giáo dục trong nước đang “rối bời” và không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm