Bộ trưởng Y tế: Nếu thiếu thuốc, người dân mua ở ngoài sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán

Hải Yến
24/10/2024 - 19:04
Bộ trưởng Y tế: Nếu thiếu thuốc, người dân mua ở ngoài sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã đưa thêm quy định điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế. Nếu điều chuyển thuốc không được, người dân phải ra ngoài mua thuốc thì sẽ có cơ chế thanh toán.

"Vấn đề bức xúc nhất là chuyển tuyến"

Chiều 24/10, thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan - ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - chia sẻ: Dự thảo Luật lần này nhằm rà soát những vướng mắc tồn tại trong việc thực hiện chính sách BHYT với mục tiêu cao nhất là làm thế nào thuận tiện nhất cho người tham gia BHYT, tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân một cách đầy đủ, kịp thời. "BHYT là một trong những yếu tố quan trọng xây dựng hệ thống y tế Việt Nam ổn định, vững vàng" - Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh

Ngoài việc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống luật đã được ban hành, theo đại biểu Đào Hồng Lan, dự án Luật phải giải quyết được việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật đã được quy định của Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Bởi, từ ngày 1/1/2025, sẽ không còn tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến xã như tên gọi trước đây, thay vào đó phân theo cấp chuyên môn kỹ thuật.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Bảo hiểm y tế cần có điều chỉnh về cơ chế thanh toán, hỗ trợ cho người dân đi khám, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật.

Bà Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai BHYT, trong đó, vấn đề bức xúc nhất là chuyển tuyến.

Theo Bộ trưởng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh kịp thời thì cần có sự đầu tư đúng mức để bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến cơ sở cũng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện được các nhiệm vụ khám chữa bệnh, tránh để người dân phải chuyển tuyến. Hiện Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp như chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ về tuyến dưới, các chính sách khám chữa bệnh từ xa… nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết.

Về đối tượng, qua quá trình lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng như người dân ở vùng ATK, người dân ở khu vực 1 chuyển xuống khu vực 2,3… Bộ Y tế đã rà soát và đưa vào danh mục "các đối tượng khác" trong dự thảo của nghị định kèm theo.

Bộ trưởng Y tế: Nếu thiếu thuốc, người dân mua ở ngoài sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán- Ảnh 1.

BHYT là một trong những yếu tố quan trọng xây dựng hệ thống y tế Việt Nam ổn định, vững vàng. Ảnh minh hoạ

Thêm quy định điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế

Về việc điều chuyển thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thực tiễn, không phải tất cả các gói thầu chúng ta tham gia đều có thể mua được ngay. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang báo cáo mua được 95%, còn 5% thuốc không thể mua được. "Chúng ta tham gia thị trường thì cơ chế đấu thầu phải theo thị trường" - Bộ trưởng Y tế nói.

Để giải quyết tình huống bất khả kháng không mua được thuốc, hiện Bộ Y tế đề xuất 2 cơ chế.

Thứ nhất, ngoài tháo gỡ cơ chế đấu thầu mua sắm, đưa thêm điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế. Đây là một nội dung mới, là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề thiếu thuốc.

Chẳng hạn, quý trước Bệnh viện A mua được thuốc, bây giờ Bệnh viện B cần thì có thể điều chuyển giữa các bệnh viện với nhau và vẫn thanh toán BHYT cho người dân, để người dân không phải ra ngoài mua thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Thứ hai, nếu điều chuyển thuốc không có, người dân phải ra ngoài mua thuốc thì có cơ chế thanh toán.

"Bản thân bác sĩ cũng không mong muốn việc người dân phải ra ngoài mua thuốc bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh" - Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho rằng, chúng ta mới đề cập phạm vi được hưởng BHYT mà chưa quan tâm việc khám sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư, bệnh về máu… Đây là những bệnh nếu phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng ngân sách…

"Một số nước đã có các quy định đổi mới yêu cầu người dân phải khám sàng lọc bệnh tật từ sớm mới được chi trả BHYT, chúng ta nên nghiên cứu. Những chiến lược về y tế cần phải đồng bộ, giờ chúng ta mới thanh toán chi phí khám chữa bệnh chứ chưa có chi phí cho dự phòng".

Về khám chữa bệnh, có 3 cấp là ban đầu, cơ bản, chuyên sâu. Nhưng trong dự thảo vẫn mang nặng việc chuyển tuyến, từ ngày 1/1/2025 chúng ta không còn các tuyến khám chữa bệnh như trước đây, từ bỏ 4 tuyến xuống 3 cấp, thì nội dung này trong dự thảo tương đối mờ nhạt.

Đại biểu Lê Minh Nam - ĐBQH tỉnh Hậu Giang - góp ý, hiện nay, với BHYT dành cho trẻ em, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Tuy nhiên, với nhóm trẻ em không có giấy tờ tùy thân thì lại chưa được hưởng quyền lợi BHYT này. Đây là điều thiệt thòi, rất đáng quan ngại bởi những đối tượng này đa phần đều khó khăn, có hoàn cảnh đáng thương. Đại biểu đề nghị cân nhắc để có quy định cụ thể về những trường hợp yếu thế này, để các cháu được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh như bao trẻ em khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm