'Bờ vai ấm áp' - góc trưng bày về tình phụ tử khiến ai cũng rưng rưng

30/06/2019 - 17:27
Góc trưng bày chuyên đề “Bờ vai ấm áp” trong Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2019 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) đã hút nhiều người đến xem, ai cũng rưng rưng xúc động.

Với 49 câu chuyện cá nhân dung dị, xúc động của các con về người cha thương yêu của mình tập trung vào 3 chủ đề “Điểm tựa yêu thương”, “Cùng con trưởng thành”, “Điều con muốn nói với cha” và 19 ảnh, tài liệu “Đồng hành xây dựng hạnh phúc” đã tạo ra sự kết nối giữa triển lãm với ký ức người xem, tương tác giúp người xem nhìn nhận lại vai trò của người đàn ông, tình cha con và điều chỉnh hành vi để củng cố, phát triển tình cảm cha con, tình cảm gia đình…

 

img_3009.jpg
Bố con anh Đào Ngọc Dũng, 36 tuổi, ở Điện Biên

 

“Điểm tựa yêu thương” ấy thể hiện trong từng điều rất nhỏ trong cuộc sống. Bạn có thể bắt gặp sự đồng cảm trong từng chia sẻ của các nhân vật. Ở đó có tình yêu thương, có cách chăm sóc, dạy dỗ, mang lại niềm vui hạnh phúc theo cách riêng của mỗi người cha dành cho con gái nhưng đều quá đỗi thân thương, vô điều kiện và luôn gây bất ngờ, khiến cho các con cảm nhận được một sự an yên, ấm áp.

Có người cha mua quà cho con gái từ khi con chưa chào đời (câu chuyện của bạn Đỗ Vân Anh, Q.Long Biên, Hà Nội). Có người cha cùng con gái vượt qua tuổi dậy thì mơ mộng và ẩm ương với sự điềm tĩnh của một "nghệ sĩ thăng bằng" (câu chuyện của bạn Trần Ý Dịu, 38 tuổi, Hà Nội).

Có người cha thay mẹ bị mất vì tai nạn giao thông chăm sóc các con mới lên 9, lên 10 với một lời dặn dò “Đời bố không được học hành đàng hoàng nên chỉ mong các con cố gắng học thật giỏi để lớn lên có cuộc sống tốt hơn” (câu chuyện của bạn Lê Quang Đạt, 23 tuổi, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Có người cha là “bác sĩ riêng” của con gái, thường xuyên đưa con đi viện, còn trồng cả cây bỏng trong viện để con ăn phòng ho khiến cho các bác sĩ ngưỡng mộ (câu chuyện của Đỗ Vân Anh, Long Biên, Hà Nội).

Có người cha bạc tóc trong 1 đêm khi con gái bồng bột bỏ học ngay lớp 12 vì oán trách bố để mẹ mất vì trọng bệnh (câu chuyện của bạn Nguyễn Cẩm Lai, Thanh Hoá). Có người cha có 2 cô con gái luôn đón nhận các con bằng yêu thương đong đầy, không bao giờ so sánh các con, không bao giờ nói với ai là ông cần một đứa con trai (câu chuyện của bạn Trần Ý Dịu, 38 tuổi, Hà Nội).

Có người cha trong ngày cưới con gái đã căn dặn con rể “Người đàn ông đầu tiên đón nhận con bé khi nó đến với cuộc đời là bố. Người lau nước mắt và đỡ nó dậy khi nó vấp ngã cũng là bố. Nhưng, con mới là người đồng hành cùng con bé suốt cuộc đời. Mong con đem lại hạnh phúc cho con bé” (câu chuyện của bạn Phạm Trần Cẩm Linh, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội)…

Cách “Cùng con trưởng thành” của mỗi người cha không giống nhau nhưng cùng chung niềm mong mỏi con gái mình sẽ trở thành một người có ích, biết tận hưởng cuộc sống, biết mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mình và mọi người. Bài học làm người mà bố đem đến cho các con rất muôn màu. Có người cha khiến con mình mạnh mẽ vì luôn để con tự giải quyết mọi chuyện của mình, không can thiệp đến việc của con, khuyến khích con chủ động tìm đường cho mình (câu chuyện của bạn Trần Ý Dịu, 38 tuổi, Hà Nội). Có người cha không thể nhớ trọn vẹn 1 câu chuyện cổ tích nào nhưng luôn chọn cách kể chuyện để dạy con những bài học làm người (câu chuyện của bạn Phạm Thùy Dương, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Có người cha dạy con bằng chính tấm gương nỗ lực, chịu đựng của cuộc đời mình (câu chuyện của bạn Đào Ngọc Dũng, 36 tuổi, TP. Điện Biên Phủ, Điện Biên).

Có người cha sẵn sàng ở vậy nuôi các con khôn lớn, không chỉ làm lụng chăm chỉ mà còn thay mẹ chăm sóc, bù đắp tình cảm cho các con (câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Thúy Anh, Diễn Châu, Nghệ An).

Có người cha toả bóng mát xuống đời con như cây đại thụ, vừa gồng mình lo kinh tế, vừa sát cánh bên cạnh con, không để các con sa vào những trò vô bổ hại thân bằng kiểu uốn nắn nhà binh (câu chuyện của bạn Lê Hồng Quân, Phúc Thọ, Hà Nội). Có người bố chồng đã khiến bạn gái, sau này trở thành con dâu luôn tự tin vì được đón nhận trong yêu thương và trân trọng (câu chuyện của bạn Trần Ý Dịu, 38 tuổi, Hà Nội).

Có người cha mua quà và dạy con cho đến hơi thở cuối cùng (câu chuyện của bạn Vũ Thị Nhẫn, 34 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Có người cha ít nói, chỉ có 1 lời răn dạy các con “không muốn làm ruộng thì học giỏi vào” để các con luôn nỗ lực phấn đấu học tập (câu chuyện của bạn Nguyễn Cẩm Lai, 33 tuổi, Thanh Hóa).

Có người cha đồng hành cùng con trong từng bước ngoặt cuộc đời, lặng lẽ theo dõi, quan sát, đưa ra nhận xét khách quan, chân thành, nghiêm khắc như một người thầy để con phát triển nghề nghiệp vững chắc (câu chuyện củaNhạc trưởng Lê Phi Phi, Skopje, Macedonia).

bo-va-con.jpg
Ảnh minh họa

 

Và “Điều con muốn nói với cha” của những đứa con đã trưởng thành chính là khi các con thực sự hiểu, cảm nhận được những yêu thương sâu sắc của cha. Ở đó vừa có lòng biết ơn, vừa có sự kính trọng, vừa có tình yêu của các con dành cho cha. Có người con thực sự hiểu bố mình khi cũng trở thành một người cha, biết cách quan tâm, dạy dỗ con mình (câu chuyện của bạn Lê Văn Trung, Q.Đống Đa, Hà Nội). Có người con chia sẻ chỉ có một điều ước là bố mạnh khoẻ để có thể đưa bố tới những nơi thanh xuân bố từng đến (câu chuyện của bạn Lê Hồng Quân, Phúc Thọ, Hà Nội).

Có người con nhận ra tóc bố đã dần bạc, khuôn mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn thì cũng nhận ra mình lớn lên sau những vết hằn thời gian của bố, tự hào khoe với bố mình đã trưởng thành để bố tự hào về mình (câu chuyện của bạn Trịnh Thị Ngọc Trâm, sinh viên trường Đại Học Quốc gia Hà Nội). Có người con đã cảm nhận được bố yêu thương mình theo cách riêng của bố, không thể hiện ra bên ngoại nhiều nhưng với bố lúc nào cũng ưu tiên việc các con mạnh khoẻ, an toàn, biết nỗ lực phấn đấu (câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh).

Góc trưng bày “Đồng hành xây dựng hạnh phúc” lại là một góc nhìn khác, với những chính sách, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và nhà nước với công tác gia đình, các hoạt động hiệu quả của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. 19 ảnh, tư liệu là 19 sự kiện, hoạt động lớn của công tác gia đình, từ việc thổi bùng ngọn lửa truyền thống gia đình Việt Nam đến hành trình xây dựng gia đình hạnh phúc, từ việc giúp con cảm thấy gia đình là nơi bình an đến cách làm thế nào để con lên tiếng về xâm hại tình dục, từ cuộc thi Người cha trách nhiệm đến câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, từ giúp cha mẹ nuôi dạy con tốt đến cách thức duy trì bữa ăn gia đình ấm áp, từ tôn vinh người cha điểm 10 đến biểu dương các gia đình hạnh phúc…

Đó chính là nền tảng, là tương lai, là sự bảo vệ cho gia đình phát triển trong sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại.

ngay-hoi-gia-dinh-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh trống khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam 2019

 

Góc trưng bày "Bờ vai ấm áp" là một trong các hoạt động của Ngày hội Gia đình Việt Nam 2019 do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện theo đề án 279.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2019 diễn ra từ ngày 28-30/6.2019 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội)với rất nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, hội thi, triển lãm, toạ đàm tôn vinh các giá trị gia đình. Đặc biệt, Ngày hội Y học dân tộc cổ truyền xuyên suốt 3 ngày sẽ tư vấn, hướng dẫn mọi người, nhất là người già cách chăm sóc sức khoẻ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm