Bộ Y tế cảnh báo bùng phát dịch sốt xuất huyết

21/03/2018 - 12:54
Đến nay, cả nước có hơn 11.000 người mắc sốt xuất huyết. Dự báo, dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng nên người dân cần thực hiện các biện pháp đề phòng.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết (SXH) trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng. Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 11.000 người mắc SXH trong đó 1 trường hợp tử vong.

Có nhiều nguyên nhân khiến dịch SXH vẫn ở mức cao. Cụ thể, đó là do quá trình đô thị hóa tại các địa phương ngày càng tăng. Nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được cải tạo, nâng cấp, tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý. Ngoài ra, còn do những biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
0308_dich-sot-xuat-huyet-1.jpg
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè. Khi đó, nhiệt độ trung bình cao, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Trong khi đó, ý thức của người dân chưa thay đổi nhiều, môi trường phức tạp bất lợi là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh. Đó là chưa kể công tác phòng chống dịch bệnh của người dân chưa được chú trọng. Thậm chí, có những địa phương, chính quyền đã phạt tiền do người dân không phòng chống dịch bệnh nhưng ý thức của họ về vấn đề này vẫn chưa thay đổi. Đặc biệt, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, chi công phun hóa chất diệt muỗi chủ động còn hạn chế.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Vì vậy, biện pháp phòng chống SXH chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
 
Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.

Ngoài ra, người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày; khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám để được kiểm tra, xét nghiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm