Bộ Y tế đề nghị điều tra vụ ngộ độc patê chay

Linh Trần
26/03/2021 - 17:43
Bộ Y tế đề nghị điều tra vụ ngộ độc patê chay

Một bệnh nhân bị ngộ độc patê chay đang được điều trị

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản điều tra, xử lý vụ ngộ độc patê chay.

Liên quan đến một số trường hợp ngộ độc patê chay phải nhập viện, ngày 26/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, vừa có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị xử lý vụ việc trên.

Theo Cục An toàn thực phẩm, ngày 25/3, Cục nhận được thông tin về 3 trường hợp (địa chỉ tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm patê chay. Hiện 1 bệnh nhân đã tử vong tại BV Chợ Rẫy, 1 bệnh nhân đang điều trị tại BV 115 và 1 bệnh nhân điều trị tại BV Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Cả 3 trường hợp trên đều liên quan đến bữa ăn trưa ngày 20/3/2021 tại một ngôi miếu cách nhà khoảng 2km (chưa rõ địa chỉ cụ thể).

Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về ATTP đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản và các đơn vị liên quan để điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc do sử dụng patê chay.

Tính đến ngày 26/3, đã có 6 trường hợp ngộ độc do ăn pate chay tại Bình Dương, trong đó có 4 trường hợp đang điều trị tại BV Nhân dân 115, một trường hợp điều trị tại BV Nhi đồng 2 và một trường hợp điều trị tại BV Chợ Rẫy đã được gia đình xin về.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & thủy sản chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý theo lĩnh vực được phân công xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc; chỉ đạo việc truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm patê nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp (patê), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí, thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói); đồng thời có các hướng dẫn việc phòng chống nguy cơ ngộ độc Botulinum do thực phẩm của các gia đình, hộ kinh doanh tự sản xuất và tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm