pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khuyến cáo dùng sản phẩm viên nang cứng Kovir khi chưa được cấp phép?
Một số loại thuốc và thực phẩm BVSK "lọt" vào công văn của Bộ Y tế
Liên quan đến sản phẩm thực phẩm BVSK viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương đang khiến dư luận dậy sóng sau khi "lọt" vào công văn kèm theo danh mục 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, dư luận đã phát hiện ra nhiều bất thường khác.
Theo tìm hiểu của PNVN, ngày 25/6, sản phẩm viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố sản phẩm.
Thế nhưng, trước đó ngày 24/6, Cục Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế 3 tỉnh phía Nam về việc sử dụng sản phẩm y học cổ truyền và hướng dẫn sử dụng một số thuốc, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, nâng cao sức khoẻ, hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong số các sản phẩm đó có viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương.
Nội dung công văn 648/YDCT-QLY kể trên nêu rõ: "Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị các đơn vị căn cứ hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 ban hành kèm theo công văn này để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1)".
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một sản phẩm BVSK chưa được công bố, nhưng lại được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền khuyến cáo sử dụng, có hay chăng sự khuất tất trong vụ việc này? Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền xác nhận, có sản phẩm thực phẩm BVSK Kovir (viên nang mềm, viên nang cứng) trong văn bản 648 của Cục gửi Sở Y tế 3 tỉnh phía Nam như đề cập nói trên. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, có thể trong quá trình làm có sự nhầm lẫn bởi đây là sản phẩm đi vận động, đi xin về.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PNVN, đã có rất nhiều bệnh nhân Covid-19 sử dụng sản phẩm viên nang cứng Kovir khi chưa được cấp phép. Bởi lẽ, trước đó Cục Y dược học cổ truyền đã phát đi thông tin báo chí và dẫn lời PGS. Nguyễn Thế Thịnh: Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các công ty ủng hộ và các chế phẩm của Viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) và Y học cổ truyền Quân đội, đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang. Kết quả bước đầu cho thấy an toàn và có hiệu quả".
Trong đợt dịch ở TPHCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để kết hợp các phương pháp của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, Cục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ về việc tiếp nhận sự hỗ trợ các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Những sản phẩm này dùng để sử dụng phù hợp cho những người là F1 đang cách ly tập trung và F0 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa. Đồng thời, Cục cũng đã hướng dẫn các đơn vị y học cổ truyền trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tham khảo, nghiên cứu để có thể xây dựng các bài thuốc y học cổ truyền và tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả.
Về vấn đề này, đại diện Công ty Sao Thái Dương cũng thừa nhận, sản phẩm đã được nghiên cứu, phát triển từ tháng 4/2021. Sau đó, công ty đưa sản phẩm lên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch Covid-19…
Như vậy, ngày 25/6, sản phẩm mới được Cục An toàn thực phẩm công bố. Điều đó chứng tỏ, Cục Y dược học cổ truyền đã sử dụng sản phẩm chưa được cấp phép cho bệnh nhân sử dụng. Dư luận đặt câu hỏi, nếu người dân sử dụng xảy ra vấn đề gì ai là người chịu trách nhiệm?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Vinh, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, lâu nay người dân vẫn có thói quen "rỉ tai" về hiệu quả của các loại cây cỏ có thể điều trị bệnh gì đó, kể cả với Covid-19. Tuy nhiên, việc cơ quan Nhà nước có chuyên môn công bố thông tin, nó khác hoàn toàn với việc "rỉ tai" nhau công dụng nước cam tăng đề kháng virus, vì nó tạo ra niềm tin cho người dân về các sản phẩm đó. Vô hình trung, đã tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường. Hơn nữa, nếu sản phẩm chưa được kiểm chứng lâm sàng, chưa có phác đồ điều trị mà công bố vội vã, thì sẽ rất nguy hiểm khi người dân tự ý mua về sử dụng, ảnh hưởng tới cả việc điều trị Covid-19.
"Người dân chia sẻ thông tin sai theo kiểu "rỉ tai" thì bị xử lý, vậy cơ quan quản lý nhà nước sai thì như thế nào. Bởi hậu quả gây ra là khôn lường, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những người liên đới trong việc ra văn bản này", luật sư Vinh đề nghị.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
1. Không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid 19 hay kháng Covid.
2. Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng "điều trị bệnh".