Từ hồi biết suy nghĩ tôi đã thấy bố bị người ta trêu chọc, chê cười là phải ngồi mâm dưới, là đi dép cả đôi, là không có nổi bộ ấm chén trong nhà,… Chung quy cũng bởi bố không có thằng cu.
Người thông cảm thì an ủi bố mẹ đang còn trẻ nên đẻ thêm đứa nữa hoặc đi kiếm lấy thằng chống gậy. Hai chị em tôi ngơ ngác hoặc chỉ biết phản bác yếu ớt khi nghe người ta cảnh báo coi chừng bố kiếm em trai bên ngoài, sẽ không thương chúng tôi nữa. Điều ấy khiến tâm hồn non nớt của tôi bị thương tổn. Trong đầu tôi bắt đầu hình thành suy nghĩ “hóa ra con gái không quý bằng con trai”. Nhưng những yêu thương của bố mẹ khiến tôi chẳng còn suy nghĩ nhiều về điều đó nữa.
Tôi vào cấp 3 và lựa chọn theo khối D, học tiếng Anh. Ngày ấy ở quê tôi, tiếng Anh là một môn học rất khó và người nhà quê không bao giờ “đọ” được với thành phố, vậy nên có học cũng uổng công. Tôi xin bố cho chuyển xuống trường chuyên của huyện học. Bố rất vui khi tôi có quyết tâm như vậy. Nhưng mọi người lại cho rằng bố “hâm”. Bởi con gái cho học nhiều làm gì, có giỏi mấy thì rồi nó cũng đi lấy chồng mất. Đầu tư cho con gái là một loại đầu tư lỗ vốn. Bố chỉ cười nói: “Con nào cũng là con. Chỉ mong sau này con có cuộc sống tốt là mình vui rồi”.
Cuối tuần nào bố cũng xuống trường đón tôi về (tôi học xa nhà). Bố mẹ nhớ tôi, muốn tẩm bổ cho tôi chứ không phải giám sát như tôi đã từng nghĩ. Trời mưa to. Dù mặc áo mưa, hai bố con vẫn ướt như chuột lột. “Thấy khổ chưa con? Cố gắng sau này ngồi bàn giấy mà làm việc, không phải đội mưa, đội nắng ra đồng như bố mẹ nhá”. Nhìn tấm lưng cong cong của bố tôi bỗng ứa nước mắt. “Con đã biết rồi bố”, tôi nhủ thầm trong lòng.
Rồi tôi nghe phong thanh bố có người khác, bố ra ngoài đi “kiếm thằng cu”. Tôi rất bức xúc và nói thật nhiều điều, thậm chí là giận dỗi với bố. Lúc ấy bố chỉ cười hiền từ có chút ngượng ngùng: “Bố chỉ mong hai đứa con gái bố sau này sống hạnh phúc để bố mẹ “bay tóc” với thiên hạ”. Dù bố nói vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy giận vì bố cứ mong có con trai.
Ra trường, công việc ổn định với mức lương tốt, tôi là niềm tự hào của bố, của gia đình. Rồi tôi lấy chồng, là một người thợ sửa xe ô tô, không bằng cấp, gia cảnh bình thường. Mặc kệ thiên hạ chỉ chỏ: “Đấy, đầu tư học hành cho lắm vào, còn không bằng đứa ở nhà”; “rồi đi mãi cũng có lấy được đứa nào ra hồn đâu”,… bố vẫn nắm tay tôi thật chặt: “Vợ chồng cố gắng làm ăn, hạnh phúc là bố mẹ vui rồi”. Lên xe hoa, giữa đoàn người ùn ùn kéo ra cổng, tôi thấy bóng dáng bố cô đơn quay người vào nhà. Vội quay đi, tôi không dám nhìn tiếp, sợ không cầm lòng được sẽ khóc.
Chồng tôi có tay nghề, lại chịu khó, chẳng mấy năm hai vợ chồng đã mua được căn nhà nho nhỏ trên thành phố. Bố mẹ vui, vì gia đình tôi ổn định, hạnh phúc, vì có cậu con rể hiền lành, yêu thương vợ con, quý mến gia đình nhà vợ.
Hôm bố ra thành phố khám bệnh, ngồi chờ bố truyền hết 3 chai nước, nhìn bố đen, gầy, chân tay nhăn nheo tôi chợt nhận ra bố đã già đi nhiều, không còn “phong độ, lãng tử” như mấy bố con từng tự hào nữa. Chuyện của hai bố con thật nhiều, kéo sang cả chuyện con riêng. Tôi hỏi bố có đứa nào thì mang về, chúng tôi sẽ vui vẻ chào đón. Nhưng bố nói bố không có, dù có sinh cũng chỉ muốn là con của mẹ. Rồi bỗng bố nói" “Sau này, con đẻ đứa thứ 2 mà là con trai thì cho nó mang họ bố đi”. Hai bố con đều lặng im….
Hiện giờ không ai còn chê cười về chuyện bố chỉ có con gái nữa nhưng tôi hiểu đó vẫn là cái rằm trong tim bố, sẽ khiến bố đau âm ỉ cho đến hết cuộc đời. Mà có lẽ là cả trong tim tôi nữa.