Bolivia: Mỗi tháng 10 phụ nữ chết vì bạo lực gia đình

04/09/2017 - 07:10
“Bolivia là quốc gia mà quyền của phụ nữ nhìn chung không được tôn trọng”- đó là nội dung được đề cập trong bản báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc. Bolivia nhiều năm vẫn đứng đầu trong 12 quốc gia nguy hiểm đối với phụ nữ về tình trạng bạo lực.
Tháng 10/2015, Tòa án Tối cao Bolivia ghi nhận 32.999 trường hợp bạo lực gia đình chống lại phụ nữ. Trung bình mỗi tháng có 10 phụ nữ nước này bị thiệt mạng vì bạo lực gia đình. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 53% phụ nữ Bolivia thường xuyên là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình.
diem-nong.jpg
Một người phụ nữ cầm trên tay bức ảnh con gái của bà, một nạn nhân của bạo lực gia đình, tham gia tuần hành trên đường phố La Paz, Bolivia


Thời còn là bé gái tuổi vị thành niên, chị Brisa de Angulo, ở thành phố Santa Cruz, bị cậu ruột nhiều lần xâm hại tình dục. Khi Brisa quyết định thoát khỏi, tìm kiếm sự hỗ trợ, cô đã phải đối mặt với rào cản từ chính người thân trong gia đình. “Mọi người đều thuyết phục tôi “dứt khoát phải giữ kín chuyện này”.

Họ cho rằng, nếu tôi tiết lộ với ai đó, tôi sẽ bôi xấu hình ảnh đại gia đình. Danh dự gia đình là quan trọng nhất. Nhìn chung, cá nhân tôi chẳng là cái gì. Không ai quan tâm tôi đau khổ thế nào”, Brisa kể lại câu chuyện bi thảm của mình với phóng viên kênh truyền hình Ả Rập, Al Jaazera.

Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, tình hình của phụ nữ Bolivia rất bi đát. Cứ 10 phụ nữ thì có tới 9 trường hợp ít nhất một lần trong đời từng bị đánh đập, cưỡng đoạt thân thể bởi bố đẻ, anh trai hoặc chồng. Đáng buồn hơn, khi các tổ chức quốc tế báo động, chính quyền quốc gia này không nhìn thấy bất cứ khía cạnh tiêu cực “trong việc trừng phạt những phụ nữ không ngoan ngoãn”.

Theo các phương tiện truyền thông sở tại, phụ nữ thường không khai báo với cơ quan chức năng về hành vi bạo lực gia đình, bởi ai cũng “tự hiểu”, chuyện gì xảy ra trong nhà, các thành viên trong gia đình phải tự giải quyết. Ngoài ra, trong xã hội Bolivia vẫn tồn tại quan niệm, “mày râu” có quyền đánh đập người phụ nữ trong nhà vì cô ấy phải bị trừng phạt.

Bước đi đầu tiên để thay đổi

Trước tình hình đó, bà Virginia Velasco, Bộ trưởng Tư pháp Bolivia, đang nỗ lực thuyết phục chính phủ thực thi các giải pháp để thay đổi, trước hết là điều chỉnh chính sách tuyển dụng cán bộ. Một trong số tiêu chuẩn tuyển dụng quy định: “Tất cả nam giới có nguyện vọng trở thành công chức trong bộ máy công quyền đều phải có giấy chứng nhận chưa từng có hành vi bạo lực đối với phụ nữ”.

Ý tưởng của bà Bộ trưởng nhận được sự hoan nghênh của đông đảo phụ nữ Bolivia và các tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và bạo lực tình dục. “Quy định này là một dạng xác nhận quan điểm “nói không” với mọi hành vi làm nhục, đánh đập hoặc cưỡng hiếp phụ nữ. Chúng tôi hy vọng, đây là bước đi đầu tiên để thay đổi cơ bản nền tảng xã hội”, chuyên gia tâm lý Tanya Sukhija, người thường tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục, cho biết.

Tiến sĩ Dubravka Simonovic, phái viên về Nhân quyền LHQ, vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của những điều chỉnh pháp lý mới của chính phủ Bolivia. Bà Simonovic bình luận: “Dĩ nhiên, đó là giải pháp tích cực để cuối cùng mọi người hiểu thực tế, bạo lực tình dục đối với phụ nữ là cái gì đó xấu xa.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đa số nạn nhân, những người từng trải nghiệm hành vi bạo lực nào đó từ phía đối tác, bạn đời, họ hàng, người thân trong gia đình, cũng không hề làm gì. Nhiều phụ nữ e ngại tìm kiếm sự trợ giúp.

Họ sợ phản ứng của gia đình, cộng đồng nơi họ sinh sống. Họ không tin tưởng cảnh sát, không tin tưởng các tổ chức phi chính phủ. Và cuối cùng, sợ đòn trả thù của thủ phạm, những kẻ có thể đánh đập, gây thương tích và thậm chí giết chết họ”.

Sẽ ân hận vì trót tố cáo?

Đến một ngày không thể tiếp tục chịu đựng hành vi bạo lực của ông cậu,  Brisa de Angulo quyết định tố cao. “Điều đó thật khủng khiếp. Đến đồn cảnh sát và Tòa án, bản thân tôi có cảm giác như chính mình là tội phạm”, chị Brisa tường thuật trong nước mắt.

“Khi tôi tố cáo với đại diện Tòa án về thực tế bản thân bị thành viên trong gia đình cưỡng hiếp, nhân viên cơ quan bảo vệ pháp luật nghiêm nét mặt bảo: “Cô phải suy nghĩ thận trọng trước thông tin vừa nói. Bởi nếu Tòa phát hiện chi tiết thiếu chính xác, cô sẽ bị tống vào tù”.

Họ cũng khuyên tôi, nên về nhà và không nên làm xấu mặt gia đình mình”. Song, Brisa không nghe theo. “Trong phiên tòa xét xử vụ việc của tôi, vị thẩm phán nói với tôi: “Kẻ phạm tội sẽ phải ngồi tù 7 năm, song nguyên đơn Brisa sẽ phải ân hận suốt đời về hậu quả những việc làm của mình”, Brisa cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm