Bức xúc khi phụ nữ Việt được quảng cáo như món hàng trên mạng xã hội Hàn Quốc

14/08/2019 - 15:08
Trước thực trạng kết hôn xuyên biên giới ngày càng phổ biến, các công ty môi giới Hàn Quốc đang quảng cáo phụ nữ Việt Nam như những món hàng, đi ngược với luật môi giới hôn nhân của nước này.
Video: Phóng sự của đài truyền hình Hàn Quốc IMBC về việc quảng cáo phụ nữ Việt như món hàng:

(Nguồn: Zing)

 
Để thu hút đàn ông Hàn Quốc, các công ty môi giới quảng cáo những cô gái này là "các quý cô xinh đẹp, có thân hình đẹp". Trong đoạn phóng sự mà đài truyền hình Hàn Quốc IMBC mới công bố, hàng trăm cô gái trẻ người Việt đã được "hệ thống hóa" thành hàng trăm hồ sơ trên mạng bao gồm tên tuổi, ảnh chụp toàn thân, diện mạo rõ ràng, độ tuổi, chiều cao, các mối quan hệ gia đình và thậm chí là cả thông tin về cuộc hôn nhân lần đầu. Họ được quảng cáo như một món hàng để nam giới Hàn Quốc tha hồ lên mạng tìm kiếm, chọn làm vợ.
 
co-dau-ngoai-o-han-quoc-3.png
Các cô gái được giới thiệu với đầy đủ thông tin về ngoại hình, hoàn cảnh gia đình

  

Sau khi phóng sự trên được phát sóng, nhiều người không khỏi bức xúc với cách đối xử bất công giữa những người phụ nữ được “rao bán” trên mạng với các “khách hàng” tìm tới họ. Tệ hại nhất là nội dung trao đổi giữa những người đàn ông tìm vợ và bên môi giới. Họ nói về những tiêu chí chọn vợ như đang bàn về các món hàng. Ở đó, chuyện "còn trinh" hay "mất trinh", chuyện "ngoan" và ”phục tùng chồng” được mang ra cân đo đong đếm. Nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng, việc định giá những cô gái trẻ và xem họ như một món hàng hóa khiến những phụ nữ này không được chồng và gia đình chồng xem trọng, thậm chí họ có thể thành nạn nhân của bạo lực gia đình - thực trạng mà nhiều cô dâu Việt từng phải đối mặt khi lấy chồng Hàn.
 
Phóng sự cũng ghi lại đoạn hội thoại giữa một người đàn ông Hàn Quốc và một nhân viên của cơ sở môi giới.
- Người môi giới: "Hôm nay anh đã xem mặt hơn 20 người rồi. Tính từ đầu tới giờ là người thứ 100 rồi. Anh hài lòng chứ?"
- Người đàn ông: "Tôi chưa hài lòng. Tôi vẫn muốn xem mặt nữa".
Sau đó, người đàn ông nói trên bắt đầu đưa ra yêu cầu về tiêu chuẩn của phụ nữ mà người này muốn lấy làm vợ.
- Người môi giới: "(Khách yêu cầu) cô dâu nặng 43 kg, chiều cao không được dưới 1m55. (Tất cả những cô gái) đều cỡ đó".
Thậm chí, bên môi giới còn đảm bảo là các cô gái này "còn trinh".
- Người đàn ông: "Tôi còn nhớ đêm đầu tiên. Đúng là còn trinh".
- Người môi giới: "Như vậy là chính anh xác nhận rồi đúng không?".
- Người đàn ông: "Vâng, vâng".
- Người môi giới: "Như vậy là vật chứng đã rõ ràng rồi. Về sau anh đừng có hỏi nữa đấy".
 
Theo tờ Hankyoreh, đạo luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2007 yêu cầu bên môi giới tuân thủ quy định sắp xếp hôn nhân tại các khu vực pháp lý địa phương và cấm quảng cáo buôn bán người hoặc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, nội dung luật này không tập trung vào việc bảo vệ quyền con người của các cô dâu. Khi các điều bổ sung của đạo luật năm 2007 cấm giới thiệu nhiều cô gái cùng một lúc, các công ty môi giới tiếp tục chuyển qua YouTube.
 
co-dau-ngoai-o-han-quoc.jpg
Nhiều phụ nữ Việt được các công ty mai mối Hàn Quốc công khai mọi thông tin cá nhân trên mạng để tìm bạn đời

  

The Democratic Communication Alliance - một tổ chức giám sát truyền thông tại Hàn Quốc từng công bố một báo cáo vào đầu tháng 8/2016 sau khi tiến hành các cuộc thăm dò trên 25 kênh mai mối trên YouTube. Theo đó, trong 6 tháng đầu của cuộc điều tra, các kênh này đã đăng hơn 4.500 video và nhóm khảo sát chọn ngẫu nhiên 518 video trong số đó. Kết quả phân tích từ các clip được chọn cho thấy việc chọn một phụ nữ dựa trên vẻ ngoài thể hiện rõ sự khinh miệt phái yếu và trái với luật môi giới hôn nhân theo quy định ở Hàn Quốc.
 
Trong khi đó, Đài IMBC khảo sát 500 quảng cáo trên YouTube nhận thấy 4/10 công ty môi giới quảng cáo phụ nữ Việt Nam như món hàng. Con số này chỉ đại diện cho hàng nghìn video được đăng tải trên mạng xứ Hàn, nơi nam giới độc thân của nước này chỉ việc gõ từ khóa đơn giản và thoải mái tìm kiếm, chọn lựa vợ tương lai theo tiêu chí riêng như khi họ mua bất kỳ món đồ nào.
 
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cách thức trấn áp những cơ sở môi giới này. Tuy nhiên, rất khó để quản lý có hiệu quả vì các cơ sở này liên tục sử dụng quảng cáo bất hợp pháp bằng các địa chỉ Internet đăng ký tại nước ngoài hoặc thay đổi tên công ty khi có vấn đề phát sinh. Song Ran-hee, người đứng đầu tổ chức vì quyền phụ nữ Korea Women’s Hot Line (Đường dây nóng Phụ nữ tại Hàn Quốc), nhận định: "Hôn nhân quốc tế do các bên môi giới sắp xếp khiến người Hàn Quốc rất khó coi người vợ/chồng ngoại quốc là bình đẳng với mình. Điều này dẫn đến nạn lạm dụng tinh thần và thể xác".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm