pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bức xúc vì các giải chạy bộ "dày đặc", gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng cộng đồng
Người tham gia chạy bộ xen lẫn với các phương tiện giao thông gây mất an toàn
Tổ chức giải thể thao nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng
"Tôi không biết số người đam mê chạy bộ có đông hay không, nhưng số người bị ức chế vì mấy giải chạy này thì đảm bảo rất đông", anh Đức Trung nêu ý kiến trên một diễn đàn mạng xã hội lớn, đông thành viên.
"Tập luyện thể thao, chạy bộ nâng cao sức khỏe là tốt, không ai phản đối cả, nhưng làm sao để luyện tập thể thao, tổ chức giải thể thao mà đừng ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến cộng đồng. Tôi thấy các giải chạy đang được tổ chức quá nhiều, số người tham gia đông đúc. Việc cấm đường, chặn đường để tổ chức giải chạy diễn ra vài lần thì không ai nói, nhưng cứ liên tục thì rất ảnh hưởng đến cộng đồng. Các bạn chạy bộ nhưng chúng tôi cũng có việc của chúng tôi, chúng tôi cần di chuyển trên đường giao thông, chưa kể nhiều giải chạy đêm với hàng nghìn người tham gia rất ồn ào", chị Lan Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Các giải chạy bộ có nhiều mặt tích cực như tăng cường sức khỏe, kết nối cộng đồng, quảng bá du lịch địa phương... Tuy nhiên, khi khẩu tổ chức thiếu chuyên nghiệp thì phát sinh nhiều vấn đề. "Nhiều người chạy vào sáng sớm, đêm khuya, qua các khu dân cư, vừa chạy vừa hò hét gây ảnh hưởng đến người già, trẻ em. Từng có một giải chạy bộ được tổ chức lem nhem mà sau giải, đường phố ngập tràn rác thải, cốc nhựa tiếp nước. Rồi vỏ chuối, vỏ các loại thực phẩm hỗ trợ tràn lan trên đường. Thậm chí họ bỏ lại cả ghế nhựa, băng rôn, dây ngăn cách nhiều chỗ quên không tháo, tôi ngán ngẩm sau khi giải chạy diễn ra", chị Thùy Anh (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết.
Nhiều người ý kiến: Việc chặn đường, cấm đường ở các tuyến giao thông quan trọng khiến người khác lỡ giờ ra sân bay, đi cấp cứu, thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Không chỉ nêu ý kiến trên trang cá nhân, trên các diễn đàn, có người do quá bức xúc vì bị chặn đường không đi được đã bắt đầu có thái độ trực tiếp ngay với các "runners" đang trên đường chạy đã diễn ra.
"Việc người đi đường do bức xúc, ức chế đã có những lời chửi mắng gay gắt những người tham gia chạy bộ đã xảy ra. Tôi cho rằng ban tổ chức hay các nhà quản lý nên lưu ý đến điều này, không thể cứ tổ chức mà coi nhẹ phản ứng cộng đồng, rất có thể có nguy cơ dẫn đến những điều không hay", một vận động viên bán chuyên nghiệp có tên tuổi trong "làng chạy" chia sẻ.
Hiện chưa có một con số thống kê chính thức về số lượng các giải chạy bộ được tổ chức tại Việt Nam, tuy nhiên theo ước tính của một chuyên gia về tổ chức sự kiện, mỗi năm phải có đến vài trăm giải chạy bộ lớn nhỏ khác nhau được tổ chức tại khắp các địa phương trên cả nước. Tại TPHCM, theo những người mê chạy bộ, có khoảng 50-60 giải tầm cỡ trung bình và lớn trở lên. Con số này tại Hà Nội là khoảng 30-40 giải. Còn các giải nhỏ, tự phát thì không đếm xuể. "Hầu như tuần nào cũng có giải, chỉ sợ không có sức mà chạy", anh Minh Hoàng - một chân chạy phong trào cho biết.
Làm sao để vừa đủ, hài hòa
"Tôi thấy cần xem lại các quy định về tổ chức sự kiện đông người, các quy định về cấp phép cho các giải chạy. Theo tôi được biết, phải là các sự kiện quan trọng, có tầm cỡ quốc gia, sự kiện kỷ niệm lớn thì mới tiến hành cấm đường, vì đường giao thông không thể rào chắn, phân luồng, cấm luồng tùy tiện. Tôi có cảm giác những người mê chạy bộ, tham gia chạy bộ có "đặc quyền" riêng. Với các giải chạy bộ, chỉ người tham gia nắm được lịch trình, còn rất nhiều người dân xung quanh khu vực không hề được thông báo, thông tin gì về thời gian và những cung đường cụ thể, gây phiền hà rất lớn", anh Hùng Tiến (quận Long Biên) nêu ý kiến.
Hiện tại, các giải thi đấu điền kinh thể thao chuyên nghiệp do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Cục Thể dục Thể thao quản lý. Các giải điền kinh chuyên nghiệp thường được tổ chức thi đấu trong sân vận động hoặc tại những khu vực nhất định đảm bảo an toàn (với các cự ly dài 21km, 42 km). Các giải chạy phong trào do các Sở Văn hóa - Thể thao, do địa phương cấp phép.
Thời gian trước, một giải chạy được tổ chức tại Cần Thơ đã gây bức xúc khi hàng nghìn vận động viên xuất phát vào đúng khung giờ tan tầm, giờ cao điểm về giao thông. Các vận động viên tham gia chạy lẫn vào dòng xe cộ tham gia giao thông đông đúc, gây nguy hiểm cho chính người chạy.
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng đã đưa ra quan điểm dừng cấp phép, không tổ chức giải chạy đêm, các hoạt động hội chợ, âm nhạc sử dụng loa công suất lớn quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ngoài việc còn gây tranh cãi về mặt sức khỏe, sự phù hợp, việc các giải chạy được tổ chức vào đêm khuya đã gây ảnh hưởng đến cộng đồng, vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Tại nhiều quốc giải trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp..., phong trào chạy bộ đã có từ rất lâu với những giải chạy bộ, marathon danh giá, luôn thu hút vài chục nghìn người tham dự, và nhiều VĐV Việt Nam đã góp mặt tại những giải đấu này. Tại các thành phố lớn trên thế giới như New York, Berlin, Paris, Tokyo, nơi có hạ tầng giao thông rất tốt nhưng số lượng những giải marathon là không nhiều, chỉ vài ba giải mỗi năm. Công tác tổ chức các giải marathon lớn này được tiến hành rất chuyên nghiệp. Mỗi giải đấu có cung đường chạy và thời gian nhất định, đã quen thuộc với cộng đồng sau nhiều năm tổ chức. Tuy nhiên, trước mỗi giải đấu, BTC các giải này luôn tuyên truyền, truyền thông, gửi thông báo rộng rãi đến cộng đồng về thời gian và cung đường, có các phương án đầy đủ để không ảnh hưởng lớn đến giao thông và cộng đồng trong thời gian giải chạy diễn ra.
Thể thao luôn bao hàm những giá trị tốt đẹp, một cộng đồng xã hội yêu thể thao, mạnh khỏe, mạnh mẽ hơn là điều tích cực, điều cần hướng đến. Tuy nhiên, công tác tổ chức các giải đấu thể thao phải làm sao để chuyên nghiệp, văn minh, đảm bảo hài hòa, không làm ảnh hưởng, không gây mâu thuẫn cộng đồng là điều luôn cần có.