pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đừng để pickleball, chạy bộ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình
Pickleball là môn thể thao rất phát triển trong thời gian gần đây
Tan nát gia đình vì pickleball
"Con ước gì bố có thời gian chơi thể thao với con, chơi cùng con như những ông bố của các bạn khác", đó là tâm sự buồn của cậu bé Nam. Nam cầm vợt đến sân cầu lông nhưng không có bạn nào chơi cùng, bị những đứa trẻ lớn hơn tranh sân, cậu cũng từng tủi thân vì không thuộc một nhóm bạn nên bị loại ra trong một trận bóng. Những lúc con cần bố nhất, thì bố em mải mê "đi chơi Bích", môn thể thao đang là thời thượng.
Anh Tuấn - bố của Nam vốn có sức khỏe tốt mê thể thao, trước đây thường chơi tennis ở mức vừa đủ, một tuần đôi trận. Cuối tuần, anh Tuấn vẫn dành thời gian bên gia đình, đi chơi cùng các con, quan tâm đến con cái. Khoảng thời gian đẹp nhất với Nam là khi bố dạy đi xe đạp, đưa đi tập bơi lội.
Sau một chấn thương ở sân tennis, anh Tuấn "bập" vào pickleball, tìm được "niềm đam mê" mới của cuộc đời mình. Có những ngày, anh Tuấn ở sân "Bích Cầu Bôn" liên tục 6 tiếng đồng hồ, hôm trước chơi, hôm sau lại vác vợt đi. Các ngày trong tuần đi tập, cuối tuần tham gia các giải đấu, đi giao lưu cùng đội nhóm chơi, anh Tuấn bỏ quên luôn cả vợ con mình.
Một cây vợt để có thể chơi pickleball có giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài ba triệu, tuy nhiên cũng có những cây vợt giá cả chục triệu đồng. Bên cạnh tiền dụng cụ, tiền chi phí sân, với tính chất phong trào môn gì cũng phải có đội có nhóm như hiện tại, người chơi còn tốn thêm các khoản "chi phí mềm" cho việc giao lưu, sinh hoạt sau giờ luyện tập.
Chính những người đang đam mê, đang hòa mình vào phong trào pickleball cũng phải thừa nhận những lý do khiến môn chơi này gây nhiều tranh luận, gây ra nhiều "thị phi". Bên cạnh những người coi đây là môn thể thao đơn thuần, chơi để vui khỏe, thì không ít người đến sân "tập thì ít, chụp ảnh thì nhiều", biến sân tập thành là để tìm kiếm mở rộng quan hệ, tìm cơ hội. Các sân pickleball được mở ra rất nhiều trong thời gian gần đây, sân nào cũng kín người chơi từ sáng đến đêm.
Ít được bố quan tâm hơn, con trai anh Tuấn mải mê chơi game, kết quả học tập giảm sút. Anh còn quên cả lịch họp phụ huynh của con bởi mải mê ở sân pickleball. Chị Huyền - vợ anh không thể chịu nổi khi chồng liên tục đi tập thể thao nhưng về khuya, bia rượu say xỉn, và rồi bắt gặp chồng mình có qua lại, có gặp gỡ, hẹn hò giao lưu thân thiết với một "cô em nương tựa" quen ở sân pickleball. Những cuộc cãi vã, mâu thuẫn đã nổ ra trong gia đình.
Cần kiểm soát tài chính tốt cho việc luyện tập thể thao
Chạy bộ vốn là môn thể thao dễ tập, ai cũng có thể tập được. Chạy bộ đem lại hiệu quả to lớn cho sức khỏe và tinh thần, và người tập rất dễ "nghiện chạy".
Chạy bộ được coi là môn tốn ít chi phí, bạn chỉ cần có quyết tâm, chỉ cần có một đôi giày tốt để chạy được. Tuy nhiên, chạy bộ chỉ tốn ít chi phí nếu bạn tập luyện bình thường, còn khi đã muốn trở thành một chân chạy dạng "phong trào chuyên nghiệp" thì chi phí cho chạy bộ là khá tốn kém. Dân chạy bộ vẫn hay nói rằng "tuyệt vời nhất, chuẩn nhất là vợ chồng, cả nhà cùng chạy với nhau", hay có câu "giới run-biz cũng phức tạp chẳng kém showbiz", là có lý do.
Chị M.H sau khi sinh 2 con thì gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần, tăng cân mất kiểm soát. Chạy bộ như thay đổi cuộc đời chị, biến chị trở thành như một người khác, khỏe mạnh hơn, tràn đầy năng lượng. Giá mọi việc chỉ dừng lại ở đây, chạy bộ sẽ là điều tuyệt vời của cuộc sống.
Tuy nhiên, vì quá mê chạy, chị H đầu tư đủ thứ: các loại giày phục vụ cho chạy tập, chạy giải, các loại giày và dụng cụ cho chạy trail (chạy địa hình, leo núi), các loại đồng hồ thể thao. Cứ có loại nào mới ra, chị H lại mua, như một thú vui. Các giải chạy liên tục được tổ chức khắp nơi, tháng đôi ba lần, và chị H thì đam mê với chạy giải. Chi phí mua bib chạy, vé máy bay, ăn ở di chuyển những giải chạy ở xa là khá tốn kém, đến cả vài chục triệu đồng.
Chỉ làm công việc một nhân viên văn phòng bình thường, tài chính gia đình chủ yếu từ thu nhập của chồng. Anh chồng là kĩ sư công nghệ thông tin, rất hiền lành, chiều vợ con, kiếm tiền tốt nhưng lại không mê thể thao, không tập chạy bộ. Từ ngày trở thành runner, trong mắt chị H, chồng mình giờ đã "không cùng tiếng nói, không chung đam mê". Hai ngày cuối tuần, chị H bỏ mặc chồng con để đi chạy với hội nhóm của mình, mỗi tháng lại vắng nhà vài ngày đi chạy giải.
Chị H vướng vào mối quan hệ với một thanh niên lông bông, thất nghiệp nhưng giỏi chạy sinh hoạt chung trong nhóm chạy. Kết thúc một giải chạy mà chị H đi chạy cùng, ở cùng phòng với "bạn chạy" trẻ và trở về nhà, chị H nhận được tờ đơn li hôn mà chồng mình đã chuẩn bị sẵn.
Luyện tập thể thao luôn cần thiết, nhưng cần phù hợp và làm sao để không ảnh hưởng đến tài chính và hạnh phúc gia đình. Tại các giải chạy, hình ảnh một gia đình, một cặp vợ chồng, một đôi yêu nhau cùng đồng hành trên đường chạy luôn dễ bắt gặp. Nhiều ông bố bà mẹ biến việc tập thể thao thành sự gắn kết gia đình, mang đến niềm vui, biến việc tập thể thao thành cơ hội rèn luyện kĩ năng sống, ý chí, kỉ luật cho con, qua tập thể thao để giáo dục con cái mình.
Luyện tập thể thao, một người khỏe - hai người vui, cả nhà tập - cả nhà cùng vui khỏe, luyện tập lành mạnh, khoa học, văn minh luôn là điều cần hướng đến.