pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cá nhiễm sán có nhận biết được bằng mắt thường không?
Nhiều người tin rằng ăn cá sống sẽ giúp có được dinh dưỡng tối đa từ loại thực phẩm tốt cho sức khỏe này nên không có gì quá ngạc nhiên khi các món ăn với cá sống khá phổ biến, đặc biệt là ở các nước Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,... Tuy nhiên, ăn cá sống có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe, trong đó có cá nhiễm sán.
Các loại kí sinh trùng phổ biến có thể lây sang người sau khi ăn gỏi sống có thể kể đến như: giun Anisakis Simplex, sán lá phổi, sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini, sán lá ruột nhỏ, ấu trùng Gnathostoma (gây bệnh giun đầu gai),... có thể gây tổn thương bất cứ cơ quan nào bao gồm não, gan, mật khi bị giun sán xâm nhập.
1. Nhận biết cá nhiễm giun sán (sán cá)
Có nhiều loại sán có thể ký sinh trên cá, chẳng hạn như sán đầu gai, sán dây, giun tròn,... Không chỉ cá nước ngọt mà các loại cá biển cũng có nguy cơ nhiễm sán cá nên người mua không nên chủ quan khi mua. Để đảm bảo an toàn, nên mua cá từ các nguồn đáng tin cậy và luôn chế biến kỹ lưỡng bằng cách nấu chín hoặc đông lạnh ở nhiệt độ thích hợp để diệt ký sinh trùng.
Vậy cá nhiễm sán có thể nhận biết được bằng mắt thường hay không?
Mặc dù khó nhận biết vì ấu trùng trong cá thường tồn tại dưới dạng giun xoắn hoặc cuộn chặt, không màu trong các ổ tròn có đường kính khoảng 3mm hoặc ấu trùng màu đỏ tía nằm tự do trong cơ hoặc nội tạng, rất khó nhìn. Nhưng có một số đặc điểm có thể giúp nhận biết được cá có bị nhiễm giun hay không bằng cách dựa vào màu sắc cá ở thân, ruột cá.
Các dấu hiệu cần chú ý như: thịt cá xuất hiện các đốm trắng hoặc hạt cơm, cấu trúc thịt không đều hoặc có sự xuất hiện của các nang nước nhỏ. Cá nhiễm sán thường không tươi, mắt có thể đục và phần bụng có thể bị phình to bất thường.
Ngoài ra, việc kiểm tra bằng cách cắt một đoạn nhỏ thịt cá và nhìn qua ánh sáng cũng có thể giúp phát hiện sự hiện diện của sán hoặc các ký sinh trùng.
Khi mua cá, nếu được hãy yêu cầu người bán mổ ngang thân cá bởi có thể giúp quan sát rõ ràng nếu cá có sán vì con sán sẽ chuyển động. Loại bỏ ruột cá, nội tạng cá vì ruột cá sẽ là khu vực dễ chứa các ký sinh trùng, bao gồm cả giun sán nhất.
Hướng dẫn cách chọn cá tươi ngon
Việc chọn cá tươi ngon đòi hỏi sự quan sát và kiểm tra kỹ lưỡng. Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện để chọn được cá tươi:
- Quan sát mắt cá: Mắt cá tươi thường trong suốt và lấp lánh. Giác mạc cá có độ đàn hồi. Hãy tránh chọn cá có mắt đục hoặc trũng
- Kiểm tra da và vảy: Da cá tươi ngon phải có độ ẩm tự nhiên, màu sắc sáng và vảy cá bám chắc vào thân
- Nhấn vào thịt cá: Khi nhấn nhẹ vào thịt cá, phần thịt phải đàn hồi và trở lại hình dạng ban đầu. Cá ươn, không tươi thường có thịt mềm và không đàn hồi
- Kiểm tra mang cá: Mang của cá tươi thường có màu đỏ hoặc hồng, hơi ướt nhẹ, không bị khô, không có mùi hôi hoặc mùi tanh nồng
- Mùi cá: Cá tươi ngon sẽ có mùi hơi tanh hoặc mùi tảo, không có mùi hôi hoặc tanh nồng hay mùi chua
- Kiểm tra độ cứng của cá: Cá tươi thường cứng cáp không bị lỏng lẻo hay yếu ớt khi cầm lên
2. Triệu chứng nhiễm sán cá
Khi ăn cá nhiễm sán, thường sẽ không có triệu chứng đặc trưng mà tùy thuộc vào loại sán nhiễm phải là gì sẽ có một số đặc điểm khác biệt. Triệu chứng nhiễm sán cá cũng dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa do gây nôn mửa và tiêu chảy. Việc chẩn đoán nhiễm sán cần phải được xét nghiệm tại các cơ sở y tế.
Khi nuốt phải ấu trùng giun, người bệnh thường có cảm giác buồn nôn, nôn mửa kèm theo đau vùng thượng vị với cơn đau ngày một nặng hơn, thậm chí là đau bụng dữ dội.
- Nhiễm giun Anisakis Simplex
Loại giun này phổ biến ở cá hồi, cá ngừ và mực sống. Nhiễm ấu trùng giun này có thể gây ngộ độc do độc tố dẫn tới nôn mửa nghiêm trọng, tiêu chảy hoặc phát ban.
Đặc biệt, ấu trùng giun Anisakia trong cá biển bị chết khi nấu ở nhiệt độ 60 độ C hoặc làm lạnh đến -20 độ C trong 3 - 7 ngày nhưng chúng không chết khi ngâm muối, tẩm nước sốt hay hun khói lạnh chưa tới 60 độ C. Vậy nên, kể cả việc chế biến cá có thể giúp loại bỏ ấu trùng giun thì độc tố còn sót lại vẫn có thể gây ngộ độc nên cần thận trọng khi chế biến, tốt nhất nên nấu chín cá.
- Nhiễm sán lá phổi
Không chỉ cá mà các loại hải sản khác như tôm, cua ăn sống, tái đều làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá phổi với các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, người bệnh bị sốt kèm ho, nổi mề đay với gan lách to cũng như bất thường tại phổi. Khi xét nghiệm có thể thấy tăng bạch cầu ái toan.
- Nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ
Loại sán này phổ biến hơn ở cá nước ngọt, ngay cả ăn chỉ một lần cá nhiễm sán này cũng có thể nhiễm sán.
Khi bị nhiễm cá có sán lá gan, người bệnh có thể bị đau bụng kéo dài dẫn đến chán ăn, người mệt mỏi và sút cân. Vàng da và vàng mắt nếu sán lá gan gây tắc nghẽn đường mật. Do sán sống trong gan, mật nên có thể gây viêm đường mật, viêm túi mật, đau đớn trong nhiều năm nếu không được phát hiện sớm. Nhiều trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ bị sỏi mật biến chứng xơ gan, xơ hóa đường mật thậm chí là ung thư đường mật và tử vong.
Với sán lá ruột nhỏ, nếu nhiễm phải người bệnh không có biểu hiện đặc trưng, chủ yếu là các rối loạn tiêu hóa như đau bụng.
3. Câu hỏi thường gặp
- Vắt chanh lên gỏi cá có giúp tiêu diệt sán không?
Câu trả lời là không. Các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chấm mù tạt, thêm giấm vào các lát cá đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng. Cách tốt nhất để tiêu diệt ấu trùng sán và các ký sinh trùng trên cá khác chính là nấu chín và chỉ ăn cá đã được nấu chín.
- Nhiễm sán có nguy hiểm tới tính mạng không?
Câu trả lời là có. Nhiễm sán có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và nếu không được điều trị kịp thời, có thể đe dọa tới tính mạng. Tùy thuộc vào loại sán và mức độ nhiễm, bệnh có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như gan, phổi, não, và ruột. Nhiễm sán dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng cơ quan, viêm nhiễm và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách là rất quan trọng để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.
- Nhiễm sán có chữa khỏi được không?
Câu trả lời là có. Nhiễm sán có thể được chữa khỏi với điều trị đúng cách và kịp thời. Việc điều trị nhiễm sán thường bao gồm việc sử dụng các loại thuốc chống ký sinh trùng được chỉ định bởi bác sĩ để tiêu diệt sán trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc duy trì vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng để ngăn ngừa tái nhiễm và bảo vệ sức khỏe.
- Nhiễm sán có lây từ người sang người không?
Câu trả lời là không. Bệnh nhiễm giun sán không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Sán là loại ký sinh trùng sống trong cơ thể vật chủ như người hoặc động vật. Việc lây nhiễm thường xảy ra thông qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm bởi trứng hoặc ấu trùng của sán, chẳng hạn như thịt hoặc cá chưa được nấu chín kỹ.
Để phòng tránh nhiễm sán, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành rửa tay thường xuyên.
Tóm lại, sán cá là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe con người, đặc biệt khi chúng ta không hề biết mình đã nhiễm ký sinh trùng này từ bữa ăn hàng ngày. Việc phòng tránh và điều trị sán cá đòi hỏi sự nhận thức và trách nhiệm từ mỗi cá nhân trong việc chế biến thức ăn, đặc biệt là các loại cá sống hoặc chưa được nấu chín kỹ thì không nên tiêu thụ.