Cả nước có 6,7 triệu gia đình được vay vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách

18/01/2019 - 19:46
Đến nay, toàn quốc có gần 6,7 triệu hộ gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Chiều nay 18/1, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội LHPNVN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, tổ chức Hội nghị giao ban công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2018.

Theo NHCSXH, với phương thức cho vay ủy thác gắn kết 04 nhà (Ngân hàng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm vay vốn) đã chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp đỡ họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức là Hội LHPNVN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh có thêm điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và hoạt động hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, khẳng định: Đến 31/12/2018, toàn hệ thống NHCSXH có tổng dư nợ cho vay là 187.792 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội  là 186.883 tỷ đồng (chiếm 99,52%).

Đến nay, toàn quốc có gần 6,7 triệu hộ gia đình được vay vốn NHCSXH theo phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới 181.710 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

vay-uy-thac-nhcs-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, (giữa) phát biểu

 

Để phát huy những kết quả đạt được và có giải pháp khắc phục tồn tại về hoạt động uỷ thác trong năm tiếp theo, NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội phấn đấu đạt nhiều nội dung; trong đó tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ giao (dự kiến tăng trưởng tín dụng 11% so với dư nợ thực hiện năm 2018, tương đương khoảng 18.100 tỷ đồng).

Cùng với đó, phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn so với năm 2018 trên 15%. Phấn đấu trên 75% tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền thông qua Tổ hàng tháng.

Đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn xếp loại chất lượng tín dụng đạt từ trung bình trở lên, trong đó có 70% số xã, phường, thị trấn xếp loại tốt; 100% các Chi nhánh và Phòng giao dịch xếp loại chất lượng hoạt động tín dụng từ trung bình trở lên, trong đó có 50% Chi nhánh và 60% Phòng giao dịch xếp loại tốt.

Tại hội nghị, các đại biểu từ các tổ chức chính trị - xã hội cùng thảo luận, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thực tế tại hộ vay và Tổ tiết kiệm và vay vốn; biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và hoạt động ủy thác của NHCSXH; củng cố, kiện toàn lại các tổ TK&VV theo cụm dân cư liền kề, chưa phối hợp nắm bắt thông tin của hộ vay bị rủi ro, hộ vay đi làm ăn xa, bỏ đi khỏi địa phương… 

vay-ngan-hang-chinh-sach-1.jpg
. Ảnh H. Hòa
 
Theo NHCSXH, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 0,5 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho gần 245 nghìn lao động; giúp gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng gần 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm