Cả nước mới có 57% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

Nguyễn Văn Long
01/06/2024 - 09:31
Cả nước mới có 57% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

Ảnh minh họa

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn.

Chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) phù hợp với trẻ em được triển khai từ năm 2010. Sau 14 năm thực hiện, số đơn vị cấp xã đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em mới có 57%.

Trao đổi với PV Báo PNVN, bà Phạm Nguyên Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) cho biết, đến nay, 100% đơn vị cấp xã (1 thị trấn, 15 xã) trên địa bàn huyện Thanh Trì đều đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Những năm qua, cán bộ, hội viên, phụ nữ cấp xã trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với các ngành, chức năng tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Lực lượng phụ nữ đến từng ngõ, vào từng nhà tuyên truyền các gia đình quan tâm bảo vệ trẻ em, hướng dẫn kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại… Hiện các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đều có các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nổi bật là mô hình "Gia đình văn hóa", "Gia đình an toàn", "Gia đình sức khỏe". Ngoài ra các tổ dân phố, xóm, thôn đều có các sân chơi cho các em.

Mặc dù đã triển khai nhiều mô hình, tạo dựng môi trường phù hợp với trẻ em nhưng có nơi trên địa bàn vẫn xảy ra những vụ việc trẻ em bị xâm hại. Mới đây nhất là vụ việc bé gái 12 tuổi ở xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) bị hiếp dâm dẫn đến sinh con hồi tháng 4/2024. 

Theo bà Nhung, vụ việc này là trường hợp duy nhất trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng trong vài năm gần đây trên địa bàn huyện Thanh Trì. "Thời gian tới các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn sẽ tiếp phối hợp với các ngành, chức năng, tăng cường công tác tuyên truyền đến các gia đình nhằm nâng cao kiến thức kỹ năng để trẻ em được an toàn hơn. Bên cạnh đó là nâng cao cảnh giác trong mọi tình huống", bà Nhung cho hay.

Cả nước mới có 57% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em- Ảnh 1.

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì (Hà Nội) tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực xâm hại trên môi trường mạng cho trẻ em.

Trẻ bị xâm hại, đuối nước tăng khiến số xã bị điểm liệt tăng

Từ năm 2010 đến nay, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22/4/2010 ban hành quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tính đến hết năm 2023, toàn quốc có hơn 10.000 đơn vị cấp xã. Trong số này, chỉ có khoảng 57% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Trong giai đoạn này, tiêu chuẩn để công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em được đánh giá dựa trên 13 tiêu chí theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 3/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó 11 tiêu chí được đánh giá 2 năm 1 lần; tiêu chí 3 (Trẻ em bị xâm hại) và tiêu chí 5 (Trẻ em bị tai nạn, thương tích) được đánh giá 5 năm 1 lần.

Theo cách tính điểm để được công nhận là xã phù hợp với trẻ em thì đối với xã trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương phải đạt ít nhất 900 điểm, còn các xã vùng núi phải đạt ít nhất 800 điểm. Các xã không thuộc 2 trường hợp trên phải đạt ít nhất 850 điểm. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trong khác là trong 13 tiêu chí này không được có điểm liệt (0 điểm).

Ở tiêu chí 3 nêu rõ: Nếu địa bàn xã có trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc trẻ em bị bạo lực đến mức người xâm hại trẻ em bị xử lý hình sự thì sẽ bị 0 điểm. Còn với tiêu chí 5, điểm 0 cũng được đưa ra đối với xã có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Vì vậy, với cách đánh giá này, trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục ở xã Tam Hiệp nêu trên sẽ bị điểm liệt đối với tiêu chí 3 trong kỳ đánh giá tới.

Đại diện Cục Trẻ em cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, tại các kỳ đánh giá, nguyên nhân các xã không được công nhận là xã phù hợp với trẻ em, đa số là do trên địa bàn xảy ra các vụ trẻ em bị xâm hại (tiêu chí 3) và trẻ em bị tai nạn, thương tích (tiêu chí 5). Đặc biệt, trong vài năm gần đây tỷ lệ trẻ em đuối nước ở một số địa phương đang có chiều hướng gia tăng. Điều đó kéo theo số xã tương ứng dính điểm liệt.

Cả nước mới có 57% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em- Ảnh 2.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em

Bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, đa số các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, tai nạn đuối nước đều có bố mẹ đi làm ăn xa. Việc bố mẹ thường xuyên vắng nhà và không quan tâm nhiều đến các con nên mới có những sự việc đau lòng này.

Theo vị đại diện Cục Trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền đến với mọi gia đình trong xã hội, không chỉ đối với các gia đình có trẻ em.

Bên cạnh đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, chứng cứ về việc trẻ em đang bị xâm hại thì đừng im lặng mà hãy chủ động, kịp thời lên tiếng. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an, UBND cấp xã được Luật Trẻ em giao trách nhiệm luôn sẵn sàng tiếp nhận, bảo mật thông tin và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho mọi trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Về mặt giải pháp để các địa phương thực hiện tốt hơn trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn. "Một số phụ huynh hiện nay còn thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em, chưa quan tâm đến con em, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con em để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ", ông Nam nhận định.

Giải pháp bảo vệ trẻ em từ mỗi gia đình, theo vị Cục trưởng Cục Trẻ em đó là, bố mẹ cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con. Cha mẹ phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con, cố gắng lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi.

Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Vì vậy, để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, cần có sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, Hội đồng đánh giá cấp xã và Hội đồng xét duyệt cấp huyện cần đánh giá các tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em phải trung thực, rõ ràng và không chạy theo thành tích. Có như vậy, trẻ em mới thực sự có điều kiện để thực hiện các quyền của mình và được phát triển toàn diện.

13 tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Tiêu chí 1: Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em;

Tiêu chí 2: Trẻ em được khai sinh đúng quy định;

Tiêu chí 3: Trẻ em bị xâm hại;

Tiêu chí 4: Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy;

Tiêu chí 5: Trẻ em bị tai nạn, thương tích;

Tiêu chí 6: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp;

Tiêu chí 7: Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng;

Tiêu chí 8: Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi;

Tiêu chí 9: Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ;

Tiêu chí 10: Trẻ em đến trường, lớp mầm non;

Tiêu chí 11: Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em;

Tiêu chí 12: Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em;

Tiêu chí 13: Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm