pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các bác sĩ rưng rưng xúc động khi tách thành công bé gái song sinh dính liền
Trao đổi với báo chí sáng nay, Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, cho biết: "Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho 2 bé cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua rất nhiều lần hội chẩn, để ngày hôm nay, chúng tôi đi tới quyết định thực hiện công việc này. Đây là trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn. Xin hãy cầu chúc cho đội ngũ gần 100 người chúng tôi vượt qua cuộc đọ sức trí tuệ này".
Trước khi tiến vào phòng phẫu thuật, Tiến sĩ Định còn chia sẻ rằng, ông đang có nhiều cảm xúc và phải giấu vào bên trong.
Đúng 9h sáng, đường dao mổ đầu tiên được thực hiện. 93 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nội viện và ngoại viện, được chia thành 11 êkip tham gia ca đại phẫu. Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định có vai trò là chỉ huy trưởng. Ông cũng là trưởng nhóm phẫu thuật tái tạo các cơ quan cho bé Diệu Nhi. Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, chịu trách nhiệm chính phần phẫu thuật đối với Trúc Nhi.
Nhóm tham vấn chuyên môn có mặt Giáo sư Trần Đông A, người đã thực hiện thành công ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt - Đức năm 1988. Vào lúc gần trưa, thông tin được đưa ra từ phòng đại phẫu: ca mổ đã đi được 1/3 an toàn. Giáo sư Trần Đông A cho biết: "Việc chuẩn bị trước phẫu thuật tốt nên diễn tiến từ gây mê, sắp tư thế đúng dự kiến. Các bác sĩ đã chia nửa đầu đại tràng cho bé Trúc Nhi, nửa cuối kèm hậu môn thật cho Diệu Nhi. Việc tách cơ quan tiêu hóa, tiết niệu và tách xương của 2 bé diễn ra thuận lợi".
Ở khâu cắt rời xương chậu để tách 2 bé, nhóm phẫu thuật viên chỉnh hình gặp khó khăn do màng xương dính nhau rất cứng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn tiến tốt. Máu chảy ít, mỗi cháu chỉ cần truyền 1 đơn vị máu. Để có máu cho 2 bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu. Vào lúc 14h08, việc tách rời 2 bé thành công. Đúng như kế hoạch, bé Diệu Nhi ở lại phòng mổ ban đầu, bé Trúc Nhi được chuyển sang phòng phẫu thuật khác để tiếp tục chỉnh, tạo hình.
Ở thời khắc tách rời thành công Trúc Nhi và Diệu Nhi, các phẫu thuật viên thể hiện sự vui mừng và niềm xúc động rưng rưng. Các tay dao hàng đầu của TPHCM đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trường Đại học Y Dược TPHCM... đã cùng dừng lại vài giây chụp hình, ghi lại khoảnh khắc lịch sử của ca đại phẫu thành công hiếm có trong y văn thế giới và Việt Nam.
Trúc Nhi - Diệu Nhi, sinh ngày 7/6/2019, ngụ tại Q.9, TPHCM. Hai bé chào đời lúc 33 tuần thai, tại Bệnh viện Hùng Vương, cân nặng 3,2 kg. Sau sinh, "song Nhi" được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM để điều trị các bệnh lý do sinh non, nhẹ cân. Các bác sĩ xác định "song Nhi" gặp nhiều bất thường tại vùng bụng chung.
Về tiêu hóa, các bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ 1 lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu, các bé có 2 bàng quang nằm 2 bên ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ cơ thể cả 2 đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Về cơ quan sinh dục, 2 bé có tử cung âm đạo đôi. "Song Nhi" còn bị hở khớp mu, khung chậu xếp thành 1 vòng tròn.
Các chuyên gia y tế cho biết, Trúc Nhi, Diệu Nhi là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu Ischiopagus Tetrapus (Quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống và cũng chỉ có 6% dính nhau kiểu Ischiopagus Tetrapus.