pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đối thoại về tăng cường vai trò của phụ nữ với hòa bình và an ninh bền vững
Chiều 7/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, chủ trì họp báo về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan.
Theo Thứ trưởng, Hội nghị AMM 53 và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra vào các ngày từ 9 đến 12/9 theo hình thức trực tuyến. Trong khuôn khổ AMM 53 sẽ có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Phiên họp đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN về phát triển tiểu vùng… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại phiên khai mạc các hội nghị. Đại diện Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì các hội nghị.
Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, ASEAN cần vững vàng trong các cam kết, đoàn kết trong mọi hành động để vừa đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng, vừa ứng phó thành công với dịch bệnh và các thách thức đang nổi lên. Các Bộ trưởng Ngoại giao cũng sẽ bàn về nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là phương thức để bảo đảm cho ASEAN tiếp tục là lực lượng chủ đạo trong khu vực dẫn dắt tiến trình hợp tác vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh.
Các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) là văn kiện chủ đạo. Qua đó thể hiện cam kết của ASEAN duy trì một khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, đóng góp vào an ninh khu vực và nỗ lực chung của quốc tế trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đặc biệt, trong khuôn khổ AMM 53 có Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững. Việc đẩy mạnh triển khai Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong bối cảnh mới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua đó đóng góp thiết thực vào việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh nói riêng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực nói chung.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc triển khai chương trình nghị sự ASEAN về phụ nữ - hòa bình - an ninh cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Đây là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch bệnh, đồng thời góp phần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và giải quyết các nguồn gốc của xung đột như đói nghèo, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, dịch bệnh, các nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố…