Tạo điều kiện cho phụ nữ ASEAN tiếp cận với công nghệ số

Ngự Bình
26/06/2020 - 18:45
Tạo điều kiện cho phụ nữ ASEAN tiếp cận với công nghệ số
Nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi... Đặc biệt, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan và khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19, phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chính sách của mỗi quốc gia và khu vực.

Chiều 26/6, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 đã diễn ra Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số. 

Đây là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Phiên họp nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.

Tạo điều kiện cho phụ nữ ASEAN tiếp cận với công nghệ số  - Ảnh 1.

Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số

Hội nghị khẳng định, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Sự bất bình đẳng về giới và xã hội đối với phụ nữ vốn đã hiện hữu nay càng trầm trọng thêm. Những phụ nữ không được trang bị các kỹ năng và tri thức công nghệ thông tin mới, phương thức làm việc phù hợp có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Trước tình hình đó, phiên họp nhất trí cần phát huy các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và tranh thủ hợp tác với các đối tác nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN. Mặt khác, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi... Đặc biệt, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan và khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19, phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chính sách của mỗi quốc gia và khu vực. Cần khuyến khích sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình này.

Tạo điều kiện cho phụ nữ ASEAN tiếp cận với công nghệ số  - Ảnh 2.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh vai trò của công nghệ số. Theo Tổng Thư ký, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi hậu đại dịch, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong thế giới hậu đại dịch.

Phiên họp không chỉ tái khẳng định cam kết của ASEAN khi thực hiện bình đẳng cho tất cả mọi người mà còn làm sáng tỏ vai trò không thể thiếu của phụ nữ với tư cách là động lực và tác nhân thay đổi trong thời đại kỹ thuật số. Các lãnh đạo ASEAN ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng cộng đồng và hoàn toàn tôn trọng quyền cũng như nhu cầu của họ. Những cam kết này được nêu rõ trong nhiều tuyên bố khu vực nhằm tăng cường phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN (năm 2010) và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (năm 2013).

Tổng Thư ký nhấn mạnh, thời gian qua, các nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy bình đẳng giới đã phát triển với những cách tiếp cận mạnh mẽ hơn, có sự hợp tác, thúc đẩy liên ngành. Việc thông qua Tuyên bố về việc thực hiện có trách nhiệm về giới của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu Phát triển bền vững ( năm 2017) đã đưa vấn đề bình đẳng giới trở thành cốt lõi trong chương trình nghị sự phát triển của ASEAN. Khuôn khổ chiến lược khu vực về Lồng ghép giới hiện đang được hoàn thiện sẽ làm sâu sắc thêm các nỗ lực của ASEAN về thúc đẩy bình đẳng giới trên ba trụ cột của cộng đồng.

Tạo điều kiện cho phụ nữ ASEAN tiếp cận với công nghệ số  - Ảnh 3.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020

Còn Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020 - cho hay, trong lịch sử hơn 50 năm qua của ASEAN, đây là cuộc họp ở cấp cao nhất của các nhà lãnh đạo ASEAN nói về bình đẳng giới. Cuộc họp diễn ra đúng lúc và đúng với quan tâm của phụ nữ trong khu vực và thế giới. 2020 là năm đánh giá lại các cam kết lớn về tiến bộ xã hội, đặc biệt là bình đẳng: 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và rà soát lại 5 năm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Trong đó, bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ là mục tiêu thứ 5 trong 17 mục tiêu toàn cầu. Đây cũng là thời điểm các nước ASEAN bàn về việc thực hiện tầm nhìn ASEAN 2025, rà soát mọi cam kết, đánh giá những thay đổi trong thời đại số. Từ đó, tìm thấy những cơ hội, giải pháp hữu hiệu hơn để thực hiện cam kết về tiến bộ xã hội của nhân loại, là cuộc cách mạng đối với chị em phụ nữ.

Bên cạnh đó, cần phát huy tiếng nói của phụ nữ, năng lực của chị em, đóng góp nhiều ý kiến, quan điểm, giải pháp cân bằng, sáng tạo, toàn diện và bền vững hơn trong ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội. Phiên họp được cả khu vực và thế giới quan tâm vì mang thông điệp cam kết đi đầu trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác đa phương và chủ nghĩa đa phương. Đây là cách ASEAN kết hợp với toàn cầu để thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần đánh dấu bước chuyển của ASEAN trong một giai đoạn mới thiết thực và khẳng định năng lực dẫn dắt, khởi xướng của Việt Nam trong hợp tác khu vực và toàn cầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm