Cơ hội để đánh giá những thành tựu về trao quyền cho phụ nữ

Ngự Bình
26/06/2020 - 13:39
Cơ hội để đánh giá những thành tựu về trao quyền cho phụ nữ
Bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức phiên họp đặc biệt về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số. Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo thể hiện sự cam kết ở mức cao đối với vấn đề bình đẳng giới, vấn đề trao quyền cho phụ nữ trong thời đại công nghệ 4.0.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra tại Hà Nội, chiều 26/6, lần đầu tiên sẽ tổ chức Phiên họp đặc biệt của các Nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong khi thế giới đang có sự chuyển đổi, đây là cơ hội để đánh giá những thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ. 

Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ đánh giá các tác động, ảnh hưởng của công nghệ số khi thế giới chuyển đổi lên phụ nữ, trong đó có cả những cơ hội, thách thức cũng như những giải pháp trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo thể hiện sự cam kết ở mức cao đối với vấn đề bình đẳng giới, vấn đề trao quyền cho phụ nữ trong thời đại số này.

Cơ hội để đánh giá những thành tựu về trao quyền cho phụ nữ  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 36

Bà Thúy Anh cho biết, Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. 

Phiên họp đặc biệt này diễn ra vào thời điểm chúng ta đang chuẩn bị đánh giá về 25 năm thực hiện Cương lĩnh và Chương trình Bắc Kinh thì lại càng có ý nghĩa. Đối với Việt Nam, năm nay là năm cuối thực hiện mục tiêu bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Như vậy, xét trên mọi khía cạnh, kể cả vấn đề quốc tế cũng như khu vực và Việt Nam, hội nghị này mang ý nghĩa rất lớn.

Qua Báo cáo Quốc gia rà soát và kiểm điểm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, Việt Nam đã đạt được thành tựu về nâng cao quyền năng của phụ nữ. Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tất cả các cấp vẫn là một nội dung trọng tâm từ việc hoàn thiện văn bản pháp luật và chính sách đến việc chỉ đạo sát sao của lãnh đạo trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện. 

Lần đầu tiên, Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII là 20/200 uỷ viên, đạt 10% (tăng 1% so với khóa XI). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,06%, tăng 2,54% so với nhiệm kỳ 2011-2016; cao hơn mức trung bình của toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%).

Cơ hội để đánh giá những thành tựu về trao quyền cho phụ nữ  - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu quốc hội

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%. Việt Nam đứng thứ 6/57 quốc gia về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp; 56/156 quốc gia (69,7 điểm) trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và 26/156 (79,8 điểm) quốc gia trong thực hiện mục tiêu 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; 77/149 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm