pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các cấp Hội gỡ khó cho phụ nữ khởi nghiệp trong mùa dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Đời sống của nhân dân nói chung và hội viên phụ nữ bị ảnh hưởng và tác động không nhỏ. Trong bối cảnh đó, nhiều Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, để chị em yên tâm sản xuất, kinh doanh, chung tay vượt qua khó khăn.
Nhiều hoạt động tiêu biểu, thiết thực đã được các cấp hội triển khai:
Quảng Ninh: Tặng "cần câu cơm" giúp phụ nữ khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất
Với phương châm "Phụ nữ đất địa đầu - Vững niềm tin - Chiến thắng Covid", 17/17 Hội LHPN các xã, phường tại Móng Cái, Quảng Ninh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, nêu cao ý thức nhân dân về phòng chống dịch. Song song đó, các cấp hội tặng vật nuôi, con giống… cho phụ nữ khó khăn, tạo điều kiện cho chị em pphát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Cụ thể: Hội LHPN phường Bình Ngọc đã giúp hộ chị Vũ Thị Phương (khu 4) 100 con gà giống, thức ăn, thuốc chống dịch bệnh và tiến hành khử trùng chuồng trại. Hội LHPN xã Hải Sơn tặng 03 suất quà trị giá 400 nghìn đồng/suất cho hội viên phụ nữ khó khăn; Hội LHPN phường Hòa Lạc tặng 100 con gà giống cho chị Nguyễn Thị Nhung hội viên phụ nữ nghèo ở xã Quảng Nghĩa. Hội LHPN phường Ninh Dương tặng 50 con giống, thuốc, thức ăn chăn nuôi cho chị Nình Móc Hỷ hội viên nghèo xã Bắc Sơn. Hội LHPN phường Trần Phú giúp 02 hội viên nghèo xã Vĩnh Thực là chị Nguyễn Thị Bích và chị Phạm Thị Lai có hoàn cảnh khó khăn 02 con lợn giống…
Các hoạt động thiết thực, ý nghĩa thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các cấp Hội phụ nữ Thành phố Móng Cái cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa giúp hội viên khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thái Nguyên: Duy trì chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của phụ nữ trong mùa dịch
Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tiếp tục duy trì 13 cửa hàng nông sản an toàn của phụ nữ để đảm bảo cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh.
Tại các cửa hàng đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch như: đeo khẩu trang, đeo găng tay khi bán hàng, khách hàng rửa tay sát khuẩn trước và sau khi vào cửa hàng, giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét khi mua, bán hàng, không tập trung đông người…. Bên cạnh việc bán hàng tại chỗ, các cửa hàng đã tăng cường bán trực tuyến, giao hàng đến tận tay người tiêu dùng.
Các mặt hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn và giá cả ổn định. Tổng giá trị hàng hóa cung ứng của các cửa hàng do Hội LHPN hỗ trợ thành lập trong toàn tỉnh trung bình một ngày đạt khoảng gần 100 triệu đồng.
Hoạt động của các cửa hàng tiêu thụ thực phẩm, nông sản an toàn của phụ nữ không chỉ tạo niềm tin, sự yên tâm cho người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá, thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, mà còn hỗ trợ cho hội viên phụ nữ và người dân đảm bảo nhu cầu về thực phẩm. Qua đó tạo mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra cho các sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp theo hệ thống trên địa bàn toàn tỉnh.
Quảng Trị: Gỡ khó cho phụ nữ khởi nghiệp trong mùa dịch Covid-19
Trong thời điểm dịch covid 19 đang bùng phát như hiện nay, các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ gặp phải không ít khó khăn.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh chậm trễ, việc giới thiệu sản phẩm không kết nối được ngoại tỉnh, tiếp cận khách hàng hạn chế, không chăm sóc được khách hàng, việc mua bán sản phẩm chậm lại. Thêm vào đó, công tác phòng chống dịch bệnh, cách ly toàn xã hội hạn chế tụ tập đông người, lễ hội, các chợ điểm cung cấp tiêu thụ sản phẩm, giao thương buôn bán thưa hơn, ít người… khiến các sản phẩm của chị em sản xuất khó tìm được đầu ra.
Để chia sẻ khó khăn với phụ nữ khởi nghiệp trong lúc này, LHPN huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực tìm hướng đi mới giúp chị em khởi nghiệp hiệu quả sau mùa dịch. Hội đã phát huy vai trò kết nối, hướng dẫn chị em điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tổ chức cung cấp sản phẩm tận nơi cho các hộ gia đình, sử dụng kinh doanh kết nối qua mạng internet... Đồng thời, các cán bộ hội cũng chủ động khâu nối, tìm kiếm thị trường tại các siêu thị, chợ đầu mối… hỗ trợ chị em tiêu thụ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh, cho biết: "Sau đại dịch, Hội LHPN tiếp tục tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp thông qua việc tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các gian hàng, tăng cường kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm cho chị em. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn để chị em thực hiện hiệu quả hơn khởi sự, khởi nghiệp".