pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các chuyên gia sẽ đánh giá sự an toàn của vaccine AstraZeneca
Sắp có kết luận về vaccine của AstraZeneca
Ở châu Âu có một số người bị chứng đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng số người bị đông máu sau khi chích ngừa này không nhiều hơn số người bị chết vì đông máu nói chung.
Đại diện của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố sẽ đưa ra kết luận chính thức về vaccine AstraZeneca vào ngày thứ Năm tới (18/3).
EMA hiện đang xem xét các sự cố về đông máu và nhận định rằng, vaccine có thể tiếp tục được sử dụng. Cơ quan này khuyên rằng lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn nguy cơ của bất kỳ tác dụng phụ nào. Cơ quan quản lý dược phẩm của Anh cũng nói bằng chứng "không cho thấy" quá trình tiêm gây ra việc đông máu, đồng thời kêu gọi người dân nước này tiêm vaccine khi được yêu cầu.
Ông Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, thì cho biết, cơ quan này vẫn đang điều tra các báo cáo. Theo ông Lindmeier, ngay sau khi hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, WHO sẽ công bố những khám phá và bất kỳ thay đổi nào có thể có với các khuyến nghị hiện tại với công chúng.
Ông Lindmeier tuyên bố: "Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy những sự cố về chứng đông máu là do vaccine gây ra, và điều quan trọng là các chiến dịch chích ngừa cần được tiếp tục để chúng ta có thể cứu mạng người và ngăn chặn bệnh nặng do nhiễm Covid-19."
AstraZeneca nói gì?
Đại diện của AstraZeneca khẳng định rằng, không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ đông máu do chích vaccine. Đại diện của hãng này cũng cho biết, trên khắp EU và vương quốc Anh đã có 15 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) - một cục máu đông trong tĩnh mạch - và 22 trường hợp thuyên tắc phổi - một cục máu đông đã đi vào phổi - được báo cáo trong số những người được chủng ngừa.
AstraZeneca nói những con số này "thấp hơn nhiều so với tỷ số người bị đông máu xảy ra một cách tự nhiên và tương tự như các vaccine chống Covid-19 được cấp phép khác".
Ông Ann Taylor, Giám đốc y tế của AstraZeneca, tuyên bố: "Bản chất của đại dịch đã khiến những sự cố riêng lẻ ngày càng được chú ý, chúng ta đang cẩn thận hơn các tiêu chuẩn giám sát an toàn thông thường, trong việc báo cáo các sự kiện liên quan đến vaccine, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng".
Theo thống kê của BBC, vaccine Oxford-AstraZeneca hiện đã được 65 quốc gia đặt hàng, chỉ xếp sau vaccine Pfizer/Biontech với 70 quốc gia đặt hàng. Đứng thứ 3 là vaccine của hãng Moderna (32 quốc gia), tiếp theo lần lượt là Sinopharm (19), Sputnik V (17), Sinovac (11), Janssen (2), Epivaccorona (1), Covaxin Bharat Biotech (1).
Cho đến nay, đã có hơn 17 triệu người ở EU và vương quốc Anh được tiêm một liều vaccine AstraZeneca. Trong số này, có gần 40 trường hợp đông máu, theo thống kê của hãng AstraZeneca.
Những tuyên bố chưa được chứng minh cho rằng, có thể có mối liên hệ giữa việc đông máu và tiêm vaccine AstraZeneca đã dẫn đến việc 11 quốc gia châu Âu ngừng sử dụng vaccine, trong đó Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Các quốc gia khác, gồm cả Áo, đã ngừng sử dụng một số lô thuốc nhất định.
Tuy nhiên, chính phủ Bỉ, Ba Lan, CH Czech và Ukraine cho biết, họ sẽ tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca. Còn tại Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nội các của ông cũng đã được tiêm vaccine AstraZeneca hôm 16/3 vừa qua.