pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các ''đại gia'' công nghệ góp sức thúc đẩy bình đẳng sắc tộc
Biểu tượng Google tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/6, tập đoàn công nghệ Google thông báo gói hỗ trợ trị giá 175 triệu USD dành cho các chủ doanh nghiệp, người sáng lập các công ty khởi nghiệp, người tìm việc làm và các nhà phát triển phần mềm là người da màu, đồng thời đưa ra hàng loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng sắc trong nội bộ công ty.
Trong thư gửi nhân viên, Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai, khẳng định tập đoàn cam kết tăng tỷ lệ lãnh đạo công ty là người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị phân biệt đối xử lên 30% trong 5 năm tới, tạo ra các vị trí "liên kết tài năng" để "giữ chân" và thăng chức cho nhân viên thuộc các nhóm thiểu số, thành lập nhóm đề xuất các phương án nhằm tăng cường tuyển dụng và thăng tiến nghề nghiệp với nhân viên người Mỹ gốc Phi.
Ngoài ra, tập đoàn sẽ chấm dứt chính sách kiểm tra thẻ ra vào để tránh nảy sinh thành kiến giữa các nhân viên, đồng thời đưa ra một số chương trình giáo dục chống phân biệt chủng tộc và hỗ trợ tốt hơn các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của nhân viên da màu trong công ty.
Đặc biệt, Google cũng lồng ghép nhận thức về bình đẳng vào các sản phẩm của tập đoàn, chẳng hạn thông qua việc dạy phần mềm trợ lý ảo của Google trả lời các câu hỏi về phong trào đòi bình đẳng cho người da màu Black Lives Matter (Quyền sống của người da màu).
Vài ngày trước, nền tảng YouTube thuộc sở hữu của Google đã ra mắt quỹ 100 triệu USD dành riêng cho những nhà sáng tạo nội dung và nghệ sỹ gốc Phi. Sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao vai trò và quan điểm của cộng đồng người da đen trong xã hội.
Cùng ngày, Giám đốc của Netflix, ông Reed Hastings và vợ, bà Patty Quilllin, đã trao 120 triệu USD cho 3 tổ chức giáo dục có lịch sử gắn với người da màu ở Mỹ là các trường Spelman College, Morehouse College và Quỹ United Negro College.
Khoản tiền trên sẽ được dùng để tài trợ học bổng toàn phần cho 200 sinh viên trong vòng một thập kỷ tới và là khoản tài trợ cá nhân lớn nhất trong lịch sử với mục đích này.
Vợ chồng Giám đốc Netflix bày tỏ mong muốn giúp các sinh viên, đặc biệt là sinh viên da màu, được hưởng nền giáo dục tốt để có khởi đầu tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Các trường đại học có lịch sử gắn với người da màu có thành tích giáo dục ấn tượng nhưng lại gặp khó khăn trong việc thu hút tài trợ, do đó ông bà hy vọng khoản tiền này sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng chủng tộc tại Mỹ.
Mới đây, một "đại gia" công nghệ khác là Apple cũng đưa ra sáng kiến trị giá 100 triệu USD để chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Phong trào chống phân biệt chủng tộc đang lan rộng tại Mỹ và trên toàn thế giới, sau cái chết của công dân da màu George Floyd tại sở cảnh sát thành phố Mineapolis ngày 25/5 vừa qua.