Các nhóm giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới

PGS.TS. Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, NXB Chính trị quốc gia Sự thật
21/01/2025 - 09:10
Các nhóm giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Chương trình livestream “Điểm hẹn thứ 3” của Hội LHPN Quận 4 (TPHCM). Thông qua các buổi livestream, Hội LHPN Quận 4 đã lồng ghép giới thiệu hoạt động Hội, triển khai phong trào thi đua, cuộc vận động, chủ đề năm… và giới thiệu sản phẩm, câu chuyện khởi nghiệp

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm việc tạo điều kiện xây dựng và thực thi các chính sách, cơ chế của các cơ quan, tổ chức, các hoạt động đào tạo và kết nối của Hội LHPN Việt Nam, cũng như sự chủ động và nỗ lực không ngừng từ bản thân mỗi người phụ nữ.

Đối với các cơ quan, tổ chức

Một là, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và chính sách hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thông qua các biện pháp như đẩy mạnh hỗ trợ, ưu tiên phụ nữ trong tiếp cận tín dụng và tài chính, xây dựng và triển khai các gói tín dụng lãi suất thấp dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và phụ nữ làm kinh tế phi chính thức. 

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền sở hữu tài sản và đất đai một cách bình đẳng cho cả hai giới, có thể ban hành bổ sung các nội dung chính sách hoặc văn bản hướng dẫn ưu tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản đứng tên cả vợ và chồng, giúp phụ nữ có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn lực tài chính. 

Đối với các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, cần có những quy định cụ thể để thực hiện ưu đãi thuế, phí và tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thành lập, mở rộng doanh nghiệp.

Hai là, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có thể phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng số, xây dựng các khóa học miễn phí hoặc trợ cấp học phí để giúp phụ nữ thích nghi nhanh chóng với nền kinh tế số thông qua việc được đào tạo về kỹ năng số, công nghệ và kinh doanh số. 

Các khóa đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục tài chính, phổ cập kiến thức quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ cũng cần được quan tâm thỏa đáng.

Ba là, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm bình đẳng giới trong thị trường lao động. 

Những chính sách về cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ như tiền lương bình đẳng, bảo hiểm thai sản và môi trường làm việc an toàn cần được đặc biệt chú ý ở khâu kiểm tra, giám sát thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nội dung chính sách và kết quả thực hiện trong thực tế. 

Cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để xóa bỏ định kiến giới, thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ, nhằm thúc đẩy có hiệu quả sự công nhận đóng góp kinh tế của họ. 

Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý bạo lực trên cơ sở giới và đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, nghiêm chỉnh thực thi pháp luật nhằm xây dựng môi trường làm việc thân thiện, bảo đảm các chính sách về quyền làm việc, nghỉ thai sản và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tại nơi làm việc.

Bốn là, thúc đẩy các sáng kiến xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy dịch vụ công hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Việc này có thể được thực hiện bằng cách tạo điều kiện về cơ chế phát triển dịch vụ chăm sóc gia đình, đầu tư phát triển hợp lý hệ thống nhà trẻ (công lập và tư thục), dịch vụ chăm sóc người cao tuổi… để giảm gánh nặng việc nhà không lương cho phụ nữ. 

Các cơ quan, tổ chức, nhất là những đơn vị có nhiều lao động nữ cần xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ làm việc linh hoạt, áp dụng hình thức làm việc từ xa, làm việc linh hoạt thời gian để tạo điều kiện cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có con nhỏ cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình.

Năm là, áp dụng các biện pháp và lộ trình cụ thể, khả thi để tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức. Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển năng lực quản lý và ra quyết định, tăng cường tỷ lệ nữ trong các vị trí lãnh đạo có thể tạo nên những thay đổi lớn về chính sách, tạo ra các mô hình phát triển bền vững.

Đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tập hợp và phát huy tối đa năng lực và sự sáng tạo của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thúc đẩy việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới, Hội cần tận dụng vị thế đặc thù của mình để triển khai thực hiện một số giải pháp, cụ thể:

(1) Nâng cao vai trò kết nối và hỗ trợ của các cấp Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hội viên khẳng định quyền năng kinh tế. Các cấp Hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức cả trong và ngoài nước thúc đẩy xây dựng mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp và doanh nhân nhằm tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối vốn, thị trường và công nghệ cho phụ nữ. 

Đối với các hoạt động kinh tế quy mô nhỏ hơn ở cấp cộng đồng, các cấp Hội cần tiếp tục nâng cấp, cải thiện hiệu quả các hoạt động, đồng thời khuyến khích đổi mới, sáng tạo các hoạt động có tác động thực sự đến quyền năng kinh tế của phụ nữ, như đẩy mạnh hình thức nhóm tiết kiệm tín dụng, tín chấp thông qua tổ chức Hội, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ lãnh đạo trong các làng nghề truyền thống…

(2) Tăng cường thực hiện các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực cho phụ nữ. Các cấp Hội cần đặc biệt chú ý tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số và quản lý kinh doanh, phối hợp với các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng quản lý và hội nhập kinh tế số cho hội viên. 

Đồng thời, cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tổ chức các chương trình giáo dục về bình đẳng giới và kỹ năng mềm ở tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ tự tin tham gia các hoạt động kinh tế và xã hội, thay đổi bức tranh về bình đẳng giới một cách thực chất.

(3) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và thay đổi nhận thức xã hội về bình đẳng giới nói chung và về quyền năng kinh tế của phụ nữ nói riêng. 

Cần thúc đẩy thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền kinh tế của phụ nữ, xóa bỏ định kiến giới và củng cố hình ảnh tích cực của người phụ nữ thời đại mới thông qua những trường hợp điển hình, khơi nguồn cảm hứng cho đông đảo phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái. 

Các cấp Hội cần tiếp tục triển khai một cách sâu rộng các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các tổ chức liên quan trong tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách phòng, chống bạo lực gia đình, bảo đảm môi trường an toàn cho phụ nữ.

Đối với bản thân người phụ nữ

Có thể nói, điểm khởi đầu và điểm kết thúc của việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đều nằm ở chính người phụ nữ. Do vậy, trước hết, bản thân người phụ nữ cần chủ động học hỏi và nâng cao năng lực, kiến thức của mình để có được những tri thức và kỹ năng cần thiết. 

Tri thức và kỹ năng là đòn bẩy mạnh mẽ để phụ nữ phát huy năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh tế mới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, phụ nữ cần chủ động tìm hiểu và tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng số và quản lý kinh doanh để thích nghi với yêu cầu chuyển đổi số.

Mỗi người phụ nữ cần nỗ lực thay đổi tư duy định kiến về vai trò của mỗi giới, tự tin vươn lên xóa bỏ rào cản tâm lý và khẳng định bản thân, sẵn sàng tham gia các hoạt động kinh tế, không ngừng học hỏi để nâng cao giá trị của mình. 

Hơn ai hết, chính phụ nữ cần áp dụng lý thuyết "dán nhãn" và "gỡ nhãn" để xóa bỏ những rào cản, ràng buộc của định kiến giới, nâng cao vị thế của bản thân, vững vàng đồng hành với nam giới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, bản thân phụ nữ cần chủ động cân bằng vai trò giữa gia đình và sự nghiệp, cùng với nam giới thúc đẩy bình đẳng giới thực chất cả trong gia đình và ngoài xã hội, với sự chia sẻ trách nhiệm gia đình và tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội, nhất là với vai trò lãnh đạo, quản lý. 

Để làm được điều đó, chị em cần sắp xếp thời gian một cách khoa học để cân bằng giữa công việc, học tập và cuộc sống gia đình, là một tác nhân tích cực và chủ động trong việc huy động sự đóng góp bình đẳng của từng thành viên trong gia đình đối với tất cả các loại công việc, nhất là trong phân bổ vai trò chăm sóc và nội trợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm