pnvnonline@phunuvietnam.vn
Năng cao quyền năng kinh tế, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, từ lâu đã được biết đến là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Với hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Dao và người Tày, chị em còn nhiều hạn chế ngay trong gia đình và ngoài xã hội.
Chị Vy Thị Lê, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Long, cho biết: Trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Tân Long chủ yếu tham gia các công việc nội trợ và lao động nông nghiệp. Các rào cản về giáo dục, định kiến giới khiến chị em ít có tiếng nói trong các quyết định quan trọng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất mới và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế… nên chị em chưa có điều kiện để phát triển kinh tế. Vòng xoáy đói nghèo vì thế cứ đeo bám phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương trong nhiều năm qua.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" do Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên triển khai tại huyện Đồng Hỷ được ví như một làn gió mát, bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn xã. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương, mở ra cơ hội cho chị em phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế, đào tạo kỹ năng và xây dựng mô hình kinh tế tập thể.

Cán bộ phụ nữ xã Tân Long chia sẻ, trò chuyện với hội viên về vai trò, vị thế của người phụ nữ
Vợ chồng anh Triệu Văn Chày là một trong những hộ gia đình được Hội LHPN xã Tân Long tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh. "Vợ chồng tôi có nguồn vốn để đầu tư trang trại chăn nuôi gà, nhờ đó cuộc sống thay đổi rất nhiều. Đời sống gia đình được cải thiện, có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học, vợ tôi cũng tự tin tham gia các hội nhóm phát triển kinh tế tại địa phương, tham gia các hoạt động của do Hội LHPN tổ chức, tự tin và cởi mở hơn.
Cũng nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, chị Sùng Thị Vinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long, cho biết, các chị cán bộ Hội phụ nữ quan tâm, chia sẻ, trò chuyện với hội viên về vai trò, vị thế của người phụ nữ. Nhờ vậy, chị đã mạnh dạn, chủ động hơn khi bàn bạc, trao đổi với chồng những công việc chung trong gia đình. Chồng chị đã biết chia sẻ với mình lo toan việc gia đình, biết chăm lo, thương vợ thương con nhiều hơn.
Chị Trương Thị Chua, Chi hội Trưởng Hội LHPN xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, cho biết: Để từng bước xóa bỏ định kiến, phát huy bình đẳng giới, Hội LHPN thường xuyên tuyên truyền, vận động để thay đổi nếp nghĩ, cách làm xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng… Thông qua các buổi sinh hoạt, những câu chuyện của các hộ gia đình, của chị em được cán bộ phụ nữ phụ nữ lắng nghe, tư vấn. Qua đó giúp chị em phụ nữ tự tin, mạnh dạn hơn trong việc phát huy vai trò của mình trong gia đình, cộng đồng.

Vợ chồng anh Triệu Văn Chày được Hội LHPN xã Tân Long tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh
Thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Hợp tác xã (HTX) Bò Mông số 11 do chị Nguyễn Thị Trang làm giám đốc đã trở thành một điểm sáng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định và thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương.
Chị Trang chia sẻ: Trước đây, các chính sách hỗ trợ kinh tế tại Văn Lăng chủ yếu tập trung vào việc cung cấp con giống trực tiếp cho hộ nghèo để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, phương thức này thường gặp nhiều hạn chế như manh mún, thiếu tính liên kết và khó đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nhận thấy điều này, HTX Bò Mông số 11 đã áp dụng phương pháp hoàn toàn mới: liên kết và thu hút các hộ nghèo tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương là bò Mông - giống bò có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng cao, HTX đã đầu tư bài bản vào khâu chọn giống, xây dựng chuồng trại và quản lý sức khỏe đàn bò, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, HTX cũng đã tìm kiếm đối tác tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp giảm bớt nỗi lo về thị trường của các hộ dân tham gia.

CHị Nguyễn Thị Trang tìm kiếm đối tác tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số
Mô hình liên kết của HTX Bò Mông số 11 đã mang lại những thay đổi tích cực tại xã Văn Lăng. Nhiều hộ nghèo trước đây chỉ trông chờ vào hỗ trợ nhà nước nay đã có việc làm ổn định, với thu nhập từ việc chăm sóc bò hoặc cung cấp nguyên liệu như cỏ và thức ăn. Không chỉ cải thiện kinh tế, mô hình còn giúp thay đổi tư duy sản xuất của bà con, từ nhỏ lẻ sang làm việc theo nhóm và gắn kết chặt chẽ với thị trường.
Thành công bước đầu của HTX Bò Mông số 11 là minh chứng rõ nét cho hiệu quả cho sự nỗ lực vươn lên của chị em phụ nữ tại địa phương cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của của các cơ quan, tổ chức trong đó có Hội LHPN các cấp để nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Dự án 8 đang được triển khai hiệu quả, được đánh giá là một điểm sáng, góp phần tạo ra những chuyển biến rõ nét, mở ra cơ hội phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Linh hoạt triển khai Dự án 8 theo tình hình thực tế địa phương
Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước đã ban hành cơ chế chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và thành lập Ban Điều hành thực hiện Dự án 8 cấp tỉnh "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp Hội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Thúy báo cáo kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8
Sự vào cuộc, phối hợp hết sức chặt chẽ của các sở, ngành liên quan cùng cấp đã hỗ trợ về chuyên môn đã giúp cho Hội LHPN tỉnh triển khai các mô hình, hoạt động Dự án 8 như: Phối hợp triển khai mô hình "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong các trường Trung học cơ sở và phối hợp thực hiện lồng ghép giới trong các chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên các bậc học giáo dục phổ thông; Hỗ trợ kỹ thuật triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông thực hiện bình đẳng giới và vận động lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình phát triển kinh tế xã hội; Hỗ trợ triển khai mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng và các hoạt động hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trên kênh truyền thông; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kết nối thị trường…
Hàng năm, Ban Điều hành Dự án 8 cấp tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai định hướng hoạt động Dự án tới các địa phương; kịp thời ban hành các văn bản hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, đồng thời, đề xuất với Trung ương, các ngành chức năng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Dự án 8 trong văn bản quy định chung của Chương trình và sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT để phù hợp với thực tiễn.
Với vai trò là cơ quan chủ trì Dự án, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chủ động tham mưu thành lập Ban Điều hành thực hiện Dự án 8 cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh là Phó Trưởng Ban Thường trực, đại diện các ngành liên quan và UBND các huyện.

Đội ngũ cán bộ Hội tích cực đi cơ sở để khảo sát, nắm chắc tình hình, địa bàn triển khai từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ Hội tích cực đi cơ sở để khảo sát, nắm chắc tình hình, địa bàn triển khai từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ. Trong quá trình xây dựng và nhân rộng các mô hình, các cấp Hội lựa chọn những người có uy tín, hội viên nòng cốt, người có khả năng tuyên truyền vận động tham gia mô hình.
Trong hoạt động truyền thông, các mô hình sử dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng theo phương châm "dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện" để người dân nắm bắt được các nội dung tuyên truyền. Qua đó giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao vị thế của phụ nữ, khẳng định vai trò quan trọng của chị em trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.