Các thủ tục để lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ nhận hỗ trợ ảnh hưởng bởi Covid-19

PV
07/07/2021 - 17:20
Các thủ tục để lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ nhận hỗ trợ ảnh hưởng bởi Covid-19

Lao động nữ mang thai thuộc nhóm được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người

Ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP. Trong đó, lao động nữ mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và trẻ em thuộc F1, F0 đang điều trị được hỗ trợ bổ sung thêm 1 triệu đồng/người.

Chiều nay (7/7), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức buổi họp báo công bố Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ ngày  01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Nghị quyết với 12 chính sách hỗ trợ như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm; hỗ trợ người lao động ngừng việc; Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; Hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác…

Phát biểu tại buổi họp, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Trong những ngày đầu tháng 7 này, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan đã tập trung cao nhất, "làm ngày làm đêm" với tinh thần quyết tâm, quyết liệt và tốc độ nhanh nhất để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Nghị quyết 68.

Theo ông Đào Ngọc Dung, điều quan trọng hơn cả là phải thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng giao là phải "cắt giảm tối đa các thủ tục giấy tờ; rút ngắn tối đa thời gian để người lao động thuận lợi tiếp cận chính sách"; đồng thời vẫn đảm bảo tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật, còn những quy phạm nào có thể cho phép vận dụng linh hoạt thì áp dụng.

Các thủ tục để lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ nhận hỗ trợ ảnh hưởng bởi Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu ra dẫn chứng về thực hiện gói hỗ trợ trước theo Nghị quyết 42 có nhiều tiêu chí chặt chẽ, nhiều yêu cầu nghiêm ngặt; thời gian tiếp nhận, xem xét hồ sơ hỗ trợ, cho vay cũng dài hơn... Chính những điều này đã khiến người lao động, chủ sử dụng lao động khó tiếp cận, thụ hưởng được chính sách.

Với gói hỗ trợ lần này theo Quyết định 23, ông Đào Ngọc Dung khẳng định: Thủ tục, hồ sơ, điều kiện hỗ trợ sẽ dễ hơn và thời gian cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều so với trước, "có thể nói là táo bạo, đặt lợi ích cao nhất của người lao động và chủ sử dụng lao động". Cụ thể, quá trình thực hiện sẽ bỏ tất cả thời gian tiếp nhận như thông lệ. Theo đó, ngày nào nộp hồ sơ thì ngày đó được tiếp nhận hồ sơ, thì thời gian chi trả và cho vay "tối đa chỉ có 7 ngày".

Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ lần này, riêng với nhóm chính sách bổ sung, thì đối tượng lao động nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ. Cụ thể, các nhóm đối tượng lao động  tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; lao động ngừng việc; lao động chấm dứt hợp đồng lao động, mà đang mang thai được hỗ trợ bổ sung thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.

Để được nhận các chính sách bổ sung này, lao động nữ mnag thai cần có các giấy tờ như: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 15 Quyết định này.

Theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP, có 12 chính sách triển khai hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động;

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc;

Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động;

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em;

Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19;

Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV;

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh;

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;

Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm