Cách cúng rằm tháng Bảy trọn vẹn trong mùa dịch Covid-19

Vân Anh
18/08/2021 - 14:07
Cách cúng rằm tháng Bảy trọn vẹn trong mùa dịch Covid-19

Ảnh: Comida Ngon

Cúng rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan là một tập tục quan trọng trong truyền thống tâm linh của người Việt. Cần phải chuẩn bị như thế nào cho đầy đủ, trọn vẹn nhất trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội?

Với nhiều gia đình, rằm tháng Bảy (ngày 15 tháng 7 âm lịch) là ngày lễ lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên Đán. Theo quan điểm của Phật giáo, ngày rằm tháng Bảy chính là Lễ Vu Lan báo hiếu, là ngày mà con cháu tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các thế hệ đi trước, ông bà, cha mẹ....

Trong dịp này, người dân và Phật tử thường đến chùa để hồi hướng công đức cho người đã khuất và cầu nguyện sức khỏe, bình an cho những người xung quanh. Từ ngày 10 đến 15 tháng 7 âm lịch, các gia đình, rằm tháng Bảy cũng sửa soạn lễ cúng Phật, cúng thần linh và gia tiên, cúng chúng sinh tại gia.

Cách cúng Phật trong dịp rằm tháng Bảy 

Các gia đình có thể sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày lễ Vu Lan, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.

Cách cúng rằm tháng Bảy trọn vẹn trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Các gia đình có thể sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật trong ngày rằm tháng Bảy. Ảnh: Comida Ngon

Cách cúng thần linh và gia tiên 

Các gia đình chuẩn bị mâm lễ chay hoặc mặn để tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Sau khi thắp hương, người chủ lễ đọc bài Văn khấn cúng thần linh và bài văn khấn tổ tiên tại gia rằm tháng Bảy.

Bài Văn khấn cúng thần linh (theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin):

Nam mô A Di Đà Phật

Kính lạy: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản xứ này.

Hôm nay là ngày rằm tháng Bảy năm Tân Sửu

Tín chủ chúng con tên là:  … ngụ tại nhà số …., đường …., phường (xã) …., quận (huyện) …, tỉnh (thành phố) …. thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này. Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, soi xét chứng giám.

Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội, chúng con đội ơn Tam bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng chở che, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền đáp.

Do vậy, chúng con kính dâng lễ bạc, bày tỏ lòng thành, nguyện xin nạp thọ, phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình chúng con, người người khỏe mạnh, già trẻ bình an hương về chính đạo, lộc tài vương tiến, gia đạo hưng long.

Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cách cúng rằm tháng Bảy trọn vẹn trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh để soạn sửa lễ cúng rằm tháng Bảy cho phù hợp.

Bài Văn tế khấn Tổ tiên (theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin):

Nam mô A Di Đà Phật

Kính lạy Tổ tiên nội ngoại họ… và chư vị hương linh.

Hôm nay là rằm tháng bảy năm Tân Sửu

Gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung nguyên, nhớ đến Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành ra chúng con, gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Vi vậy cho nên nghĩ, đức cù lao không báo, cảm công trời biển khó đền. Chúng con sửa sang lễ vật, hương hoa kim ngân và các thứ lễ bày dâng trước án linh tọa.

Chúng con thành tâm kính mời: Các cụ Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, cô dì tỷ muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ… (Nguyễn, Lê, Trần…)

Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng lâm linh sàng chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, bình an, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, hướng về chính đạo.

Tín chủ lại mời: các vị vong linh y thảo phụ mộc, phảng phất ở đất này, nhân lễ Vu Lan giáng lâm linh tọa, chiêm ngưỡng tôn thần, hâm hưởng lễ vật, độ cho tín chủ muôn sự bình an, sở cầu như ý.

Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cách cúng rằm tháng Bảy trọn vẹn trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Trong dịp rằm tháng Bảy, nhiều gia đình là lễ cúng chúng sinh cho các cô hồn. Ảnh: N.Vân

Cách cúng chúng sinh và cúng phóng sinh dịp rằm tháng Bảy

Ngoài việc cúng Phật, cúng thần linh và cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cúng chúng sinh cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội… Thời gian cúng từ ngày mùng 1 đến 15 tháng 7 (âm lịch). Khi cúng, có thể đọc bài văn khấn cúng chúng sinh hoặc tụng nghi thức cúng thí thực cô hồn (cúng chúng sinh) trong Kinh Nhật tụng. Trong dịp rằm tháng Bảy, các gia đình có thể phóng sinh tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.

Năm nay, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, lễ cúng rằm tháng Bảy có thể khó soạn sửa hơn với nhiều gia đình. Song, quan trọng ở lòng thành. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh để soạn sửa lễ cúng rằm tháng Bảy cho phù hợp. 

Bên cạnh việc cúng lễ để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch cũng là cách để hồi hướng công đức và tiếp nối truyền thống hiếu đạo của người Việt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm