cách nhận biết trái cây ngoại nhập và trôi nổi

16/01/2018 - 19:52
Trái cây ngoại ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn vì bên cạnh vẻ bề ngoài thu hút, khi nếm có vị “lạ” còn mang đến cho khách hàng cảm giác yên tâm vì được nhập khẩu từ những nước phát triển có quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ như Mỹ, Úc, Đức,.

Nếu như trước đây, các loại trái cây ngoại nhập rất hiếm thì hiện nay, không khó để tìm mua hàng nhập khẩu từ phương Tây như táo Mỹ, lê New Zealand hay dâu tây Pháp, Hàn Quốc... Bên cạnh những loại trái cây quen thuộc ở các nước nhiệt đới, người tiêu dùng còn hướng đến những loại trái cây mà điều kiện khí hậu ở Việt Nam không có như cherry, kiwi…

img_0847.jpgĐủ loại trái cây nhập khẩu được bán tại các chợ.

Vì là hàng nhập ngoại nên giá cả khá cao, đồng thời bán hạn chế ở một số cửa hàng, sạp chuyên biệt. Được nhiều người tìm mua nhất là trái cherry, loại trái cây chỉ xuất hiện hai lần/năm từ 2 quốc gia là Úc hoặc Mỹ; vì thế giá bán thường rất cao từ 400.000 - 800.000đ/kg tùy thời điểm.
Giá trị của quả sẽ giảm nếu thời gian mở thùng hàng càng lâu, tại chợ Tân Định, Bến Thành, cứ sau mỗi ngày, giá bán có thể giảm đi từ 50.000 - 100.000đ/kg. Dâu tây Mỹ một hộp từ 500 gr có 14 - 16 trái giá bán từ 250.000đ; Dâu tây ngọt của Hàn Quốc size jumbo 18-20 trái/hộp có giá 345.000đ/kg; Nho đen Mỹ giá 260.000đ/kg. Dù đào Úc phải đợi đến tết mới có, nhưng những quả đào Mỹ có kích thường khoảng 4 trái/kg đang bày bán tại nhiều cửa hàng cũng thỏa mãn được nhu cầu của nhiều người sành ăn, giá bán từ 260.000 - 270.000 đồng/kg.
Ngoài ra còn có các loại trái cây khác như lê nam phi, kiwi giá 140.00đ/kg, quả mâm xôi (raspberry), việt quất (blueberry),…đặt biệt trên giống táo hữu cơ được nhập từ Pháp được người bán quảng cáo là đạt chuẩn Châu Âu với giá 160.00đ/kg (khoảng 5 trái) được nhiều khách hàng chọn mua.

Ngoài trái cây tươi, một số cửa hàng còn nhập những loại trái cây sấy khô như chà là sấy khô nguyên cành của Malaysia có giá 190.000đ/hộp 500gr; Hồng 1 nắng Hàn Quốc hộp 10 trái 400 – 450gr giá 295.000đ/hộp.

2.jpg
Chà là sấy khô nguyên cành của Malaysia. Ảnh Farmers' Market.

Hầu hết người tiêu dùng khi mua những loại trái cây này thường đến các siêu thị hoặc cửa hàng lớn vì cảm thấy tin tưởng còn chất lượng thật sự và quy trình nhập như thế nào thì không ai biết rõ. Thời gian gần đây rất nhiều trái cây Trung Quốc trà trộn vào trái cây ngoại nhập đã gây không ít hoang mang cho người tiêu dùng.
Chị Hồng Phương, chủ cửa hàng trái cây trên đường Nguyễn Thị Thập Q.7 cho biết :”Có thể khẳng định chắc chắn 100%  các loại trái cây được quảng cáo là nhập từ nước ngoài, được bán lẻ tại các chợ nhỏ đều là hàng Trung Quốc. Thực tế vẫn có một lượng trái cây nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand,.. nhưng không đáng kể. Do giá cả các loại trái cây này khá đắt nên vẫn còn xuất hiện một số nơi gắn nhãn mác giả, gây hiểu nhầm cho người mua.”

Thời gian qua một số nơi như siêu thị, cửa hàng trái cây bán một số loại nho, táo nhập từ Mỹ, Nam Phi với giá khá rẻ, chỉ từ 30.000 – 40.000đ/kg khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Tuy nhiên khi được hỏi đại diện những nơi này đều khẳng định là hàng chất lượng được nhập từ nước ngoài do đang vào mùa nên được bán với giá rẻ.

3.jpgTáo hữu cơ được nhập từ Pháp với giá 160.00đ/kg.

Có cách nào nhận biết ?

Có nhiều dấu hiệu để nhận biết trái cây nhập khẩu chính gốc và trái cây trôi nổi. Người mua cần lưu ý đến thời gian thu hoạch và giống loại. Như nho và táo, được thu hoạch từ tháng 9-12, cherry Mỹ khoảng tháng 5-10, cherry Úc thì từ tháng 11-3,…Ngoài ra còn có thể phân biệt qua hình dáng bên ngoài :

  • Táo Mỹ, New Zealand hình dáng hơi vuông, có góc cạnh, cầm nặng tay, khi ăn có nhiều nước, giòn thơm. Trong khi đó táo Trung Quốc trái thường tròn, được bọc trong lưới xốp (lưu ý khi bóc lưới xốp ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản vỏ bị bay hơi).
  • Nho có hàng trăm giống khác nhau, nhập về VN phổ biến nhất là nho đen (không hạt và có hạt). Đặc điểm của các loại này là quả to và đen, càng đen kịt thì là loại càng ngon, thuôn dài chứ không tròn, ăn rất ngọt.
  • Cherry Úc hay Mỹ chỉ có thể giữ được 10 ngày ở nhiệt độ dưới 10 độ C, nếu để bên ngoài chỉ cần một ngày trái sẽ héo, da nhăn. Trong khi đó, loại của Trung Quốc được bày bán tràn lan dưới nắng nóng nhưng vẫn tươi ngon, không hư hại và nhìn lấp lánh do tẩm hóa chất.

Do vậy, để tránh mua nhầm hàng, người tiêu dùng nên mua ở những cửa hàng uy tín, xem giấy chứng nhận xuất xứ của sản phẩm nếu còn nghi ngại. Ngoài ra, nên tìm hiểu một số đặc điểm chủng loại hay mua như các giống nho, táo, cherry… nếu thực sự quan tâm và xác định sử dụng lâu dài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm