pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" hiệu quả ở một xã miền núi
Hội LHPN xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang phát động và nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình
Bà Nguyễn Thị Vịnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi triển khai Dự án tại xã:
Ở xã Trường Sơn, mặc dù tình hình kinh tế của địa phương đang có xu hướng phát triển nhưng về mặt xã hội, tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại trong người dân. Đặc biệt còn một số hộ gia đình vấn đề gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở một số thôn. Nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới là do ảnh hưởng tư tưởng phong kiến cùng với sự thay đổi chậm của ý thức xã hội.
- Theo bà nội dung nào của Dự án 8 được triển khai ở xã có hiệu quả nhất?
Hội LHPN xã triển khai Dự án từ tháng 8/2022 và bắt đầu thực hiện các nội dung từ năm 2023. Nội dung có hiệu quả nhất là tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Qua hơn 2 năm thực hiện các hoạt động của Dự án, Hội cơ bản bám sát vào yêu cầu định hướng của nội dung chương trình vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Xây dựng các mô hình hoạt động của dự án được người dân đón nhận. Góp phần nâng cao nhận thức thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến khuôn mẫu giới. Trao cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng phát triển cộng đồng.
- Theo kinh nghiệm của Hội LHPN xã Trường Sơn đúc kết lại thì cách tuyên truyền nào là hiệu quả nhất, thưa bà?
Hội đã tuyên truyền qua loa truyền thanh của xã, tổ chức hội thi, các cuộc giao lưu chia sẻ kinh nghiệm. Phát động và nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình. Cách tuyên truyền phải diễn giải một cách ngắn gọn, dễ nghe để người dân nắm bắt được nội dung. Bên cạnh đó là thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi, qua mạng xã hội. Tăng cường công tác nắm tình hình dân cư để kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
- Trong quá trình thực hiện, Hội có gặp khó khăn gì không, thưa bà?
Cũng như nhiều vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội cũng gặp những khó khăn rất phổ biến như địa bàn rộng, các thôn, bản nằm cách xa nhau và cách xa trung tâm xã. Địa hình đi lại khó khăn, bà con đi làm nông cả ngày nên phải tuyên truyền vận động vào buổi tối, khó khăn cho người làm công tác dân vận. Một số cán bộ tuyên truyền chưa có kinh nghiệm cũng như chưa cập nhật đầy đủ kiến thức để hỗ trợ các tình huống cấp thiết.
- Xin bà cho biết hiệu quả của Tổ truyền thông cộng đồng khi thực hiện Dự án 8 ở địa phương?
Các Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và đi vào hoạt động khá thuận lợi, các thành viên nhiệt tình tham gia, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện các mô hình cụ thể. Như mô hình "Địa chỉ tin cậy", "Tổ hợp tác xã", "Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi",… Nhìn chung các hoạt động đều đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ, trẻ em trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Vậy sau hơn 2 năm thực hiện Dự án 8, hiệu quả rõ nét nhất là gì, thưa bà?
Chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền hơn 100 cuộc với trên hơn 5 nghìn lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền về Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt năm 2023 công tác tuyên truyền bình đẳng giới tạo điểm nhấn khi tổ chức được 3 cuộc thi tìm hiểu Luật phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức phát động chiến dịch truyền thông đảm bảo an sinh xã hội; treo băng rôn, pano, khẩu hiệu lồng ghép trong buổi sinh hoạt hội. Chọn được các nội dung tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu, tác động làm thay đổi nếp nghĩ của bà con.
Thông qua các nội dung phần nào đã giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về giới, loại bỏ định kiến giới và các thói quen, hủ tục lạc hậu. Qua đó góp phần xây dựng hạnh phúc no ấm, tiến bộ, bình đẳng. Nhiều phụ nữ từng bị bạo lực gia đình hiện nay đã có cuộc sống tinh thần ổn định, gia đình hạnh phúc.
- Thời gian tới, Hội có kế hoạch gì để thực hiện Dự án 8 hiệu quả hơn?
Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất có hiệu quả các chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tạo điều kiện cho việc phát triển toàn diện của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
- Xin cảm ơn bà!