Cải cách tiền lương, nên bỏ biên chế giáo viên bậc nào trước?

18/05/2018 - 19:05
Để cải cách được chính sách tiền lương, buộc phải sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế. Trong đó, riêng ngành giáo dục dục hiện chiếm tới 52% biên chế sự nghiệp của cả nước, chiếm tới 1,2 triệu người. Một lần nữa vấn đề bỏ biên chế với giáo viên lại được đặt ra.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục hiện có 1,2 triệu người trên tổng số 2,3 triệu người trong biên chế sự nghiệp của cả nước (chiếm 52%). Ngành chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp. Ngành dùng tới 80% ngân sách Nhà nước phân chỉ để trả lương cho đội ngũ này.

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm: Để cải cách chính sách tiền lương, vẫn phải trở lại thực hiện đề án Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. “Đây là nguồn cơ bản để cải cách chính sách tiền lương. Không tinh giản được biên chế, sắp xếp lại bộ máy thì không thể cải cách được chính sách tiền lương”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cho biết thêm, tất cả các cơ quan công lập phải thực hiện theo khoán kết quả đầu ra; cụ thể như ngành y tế, giáo dục… Tuy nhiên, với ngành giáo dục, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Giáo viên phổ thông cơ sở thì cơ bản vẫn phải có biên chế và tùy theo số lượng học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo để đưa giáo viên về. Nếu không có biên chế cho giáo viên về các vùng này thì ai sẽ chịu về để giảng dạy?

giao-vien-2.jpg
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, giáo viên phổ thông cơ sở thì cơ bản vẫn phải có biên chế
 

Còn các trưởng Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề “dứt khoát là phải chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu, dần dần chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Trong đó phân ra một số loại như tự chủ hoàn toàn về biên chế, tổ chức bộ máy, tiền lương; tự chủ một phần có sự hỗ trợ của Nhà nước…

Trước đó, Báo PNVN đã phản ánh, giữa năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến dư luận nói chung và thầy cô giáo nói riêng bỗng “tá hỏa” khi cho biết sẽ thí điểm xóa biên chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng với giáo viên là điều cần thiết để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Tuy nhiên, ý định này gặp phải sự phản đối rất quyết liệt từ chính người trong cuộc lẫn các chuyên gia đầu ngành giáo dục. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho rằng đề nghị xóa biên giáo viên là đề xuất vô bổ. Bản thân ông không tán thành nội dung này.

Đề xuất này gây tâm lý xáo trộn và hoang mang cực độ trong giáo viên đến độ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phải chính thức tuyên bố, đây chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT và Chính phủ chưa có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên, ngay cả với các trường đại học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm