pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cải thiện kinh tế hộ gia đình từ tổ hợp tác tiểu thủ công
Tổ đan thủ công dây nhựa của chị Cẩm đã tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ địa phương
Xin chị cho biết ý tưởng thành lập tổ đan thủ công dây nhựa được bắt nguồn từ đâu?
Tôi là hội viên Hội LHPN xã Tân Phú, tham gia nhiều hoạt động của hội. Việc tạo sinh kế cho bản thân cùng các chị em hội viên là ý tưởng mà tôi ấp ủ từ lâu. Nhận thấy đan những sản phẩm có tính ứng dụng cao từ dây nhựa là việc làm mà chị em phụ nữ có thể làm được và làm một cách khéo léo. Chính vì vậy, khi dịch bệnh đến, chị em không có việc làm, tôi đã thành lập tổ hợp tác sản xuất để giúp chị em có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Hội viên phụ nữ được mang hàng về nhà làm có thể tranh thủ được thời gian lại có thêm thu nhập.
Chị hướng tới thị trường nào khi thực hiện dự án này?
Hiện nay sản phẩm đan dây nghệ thuật rất được ưa chuộng, vì thế chúng tôi hướng tới khách hàng là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cả ở thị trường trong nước và nước ngoài. Tôi dự tính mở rộng mô hình này tới các xã lân cận và trong toàn tỉnh để chị em phụ nữ có điều kiện làm kinh tế gia đình.
Được biết chị hỗ trợ chị em phụ nữ làm kinh tế rất nhiều, chị có thể chia sẻ cụ thể không?
Tôi tham gia tiết kiệm tại chi hội với số tiền được hơn 16 triệu đồng, giúp 15 chị em vay mua dê giống. Ngoài ra bản thân tôi còn thực hành tiết kiệm điện, nước, tiền chợ, nuôi heo đất tại nhà, tại tổ… Bên cạnh đó, tôi quản lý 5 tổ góp vốn xoay vòng gồm 143 thành viên với tổng số tiền 574 triệu đồng/1 năm, giúp 60 chị em vay vốn làm kinh tế. Tôi cũng tham gia tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình giúp 1 hội viên chăn nuôi dê nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của gia đình hội viên trong ấp.
Thông qua các buổi sinh hoạt hội, nắm biết nhu cầu của nhiều chị em hội viên trong địa bàn xã cũng thiếu việc làm nên đã vận động các chị em cùng tôi nhận hàng đan thủ công dây nhựa làm tại nhà. Hiện nay đã thành lập được 2 tổ với 60 thành viên trên địa bàn xã đến học nghề và nhận hàng về làm.
Việc làm này đã giúp phụ nữ có con nhỏ, người lớn tuổi có công việc làm ổn định, thu nhập bình quân mỗi người từ 2-3 triệu đồng/tháng, góp phần trang trải cuộc sống gia đình mà vẫn đảm bảo được việc chăm sóc con cái.
Được biết chị không chỉ là một phụ nữ làm kinh tế giỏi mà còn có các hoạt động hội rất tích cực. Một số hoạt động mà chị tâm huyết nhất là gì?
Tôi đã vận động chị em phân loại rác tại hộ gia đình theo sự hướng dẫn của hội phụ nữ, mua dụng cụ chứa nước từ nguồn vốn xoay vòng, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội và vốn của gia đình, góp phần bảo vệ môi trường. Tôi cũng khuyến khích chị em thu gom rác, lá cây, chặt, tỉa những cành cây, bụi rậm, làm thông thoáng đường giao thông giúp việc đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận tiện.
Hàng tuần tôi và các hộ dân trên tuyến đường tập trung dọn dẹp, thực hiện tốt quy chế đề ra là không vứt rác bừa bãi, giữ vệ sinh chung ở tuyến đường, khai thông cống rãnh, phát hoang bụi rậm, chặt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, dọn sạch cỏ dại để trồng hoa trên tuyến đường xanh sạch đẹp... góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Xin cảm ơn chị!
Liên hệ: Chị Trần Thị Hồng Cẩm - Chủ nhiêm Tổ đan thủ công dây nhựa
Địa chỉ: Ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh tiền Giang.
Số điện thoại: 0338086510