Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã đạt tới con số 50 triệu người, tương đương với 54% dân số và đã cao hơn mức bình quân toàn cầu 46,46%. Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất ở châu Á. Điều đó cũng tạo ra nhiều nguy hiểm hơn cho trẻ em với số lượng các vụ việc lạm dụng và bạo lực đối với trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Tại buổi lễ, bà Victoria Rhodin Sandstrom - Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Chính trị, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam - chia sẻ: “Internet là một công cụ tuyệt vời. Trẻ em ngày nay có thể sử dụng Internet với vô số mục đích như để giao tiếp, học tập và giải trí. Tuy nhiên, cho dù bạn đang ở môi trường ảo trên mạng (online) hay ở môi trường đời thực (offline), sẽ luôn có những mối nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ em khi sử dụng mạng và con cái bạn có nguy cơ dễ bị lạm dụng hơn. Để các bậc phụ huynh giúp con minh tự bảo vệ trên môi trường mạng, chúng tôi đã hoàn tất việc dịch lại cuốn sổ tay NetSmart sang tiếng Việt. Cuốn cẩm nang đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ giáo dục, những người làm chính sách, các tổ chức phi chính phủ và người lớn về cách giáo dục trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau nhận biết các mối nguy cơ và tự bảo vệ mình không bị xâm hại tình dục trên Internet”.
Còn bà Dragana Strinic - Trưởng Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho hay: “Chúng ta không thể và chúng ta không nên ngăn chặn trẻ em truy cập và sử dụng internet, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên mạng. Cha mẹ và những người lớn khác cần gần gũi với trẻ, cần phải tạo ra môi trường để có thể trò chuyện với trẻ về những gì trẻ làm hoặc những người trẻ gặp trên Internet”.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra nhận định: “Theo tôi, xâm hại tình dục trẻ em trên mạng xã hội là có thực. Chúng ta chưa có điều tra, thống kê chính xác về tình hình xâm hại tình dục trên mạng nhưng chúng ta có những bằng chứng về những vụ việc xâm hại tình dục của trẻ em có nguyên nhân từ môi trường mạng, xuất phát từ sự làm quen, trò chuyện online trên mạng xã hội và tiếp đó là những hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong đời thực”.