Cán bộ hội làm cô giáo của những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc

Mộc Miên
11/03/2023 - 08:57
Cán bộ hội làm cô giáo của những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc

Chị Đào Thị Thanh An trở thành cô giáo uốn nắn từng con chữ cho học viên.

Lớp học đặc biệt này ở nơi cực Nam của Tổ quốc với học viên tóc đã điểm bạc còn giáo viên chính là cán bộ Hội LHPN cơ sở. Vượt qua những khó khăn khi phải học đánh vần, nhận mặt chữ tuổi xế chiều, những cô chú học viên đã có niềm vui khôn xiết khi tự tin ký tên mình thay vì lăn tay, điểm chỉ...
"Biết chữ vui lắm"

Nhiều tháng qua, điểm lẻ của trường Tiểu học Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, Cà Mau) đã được mượn tạm để mở lớp học tình thương. Học viên là những cô, chú chưa biết đọc, biết viết trên địa bàn. Đây cũng là lớp học thứ hai được Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái đứng ra tổ chức. 

Trước đó, vào năm 2015, một lớp học tương tự được mở tại điểm sinh hoạt văn hóa ấp Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái). Người đứng lớp tại ấp Gò Công là một thầy giáo đã về hưu còn tại điểm Sào Lưới là chị Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái và chị Trương Kim Lến - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới.

Cán bộ hội làm cô giáo của những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc - Ảnh 1.

Chị Đào Thị Thanh An cùng học viên lớp học

Tại lớp học tình thương ở điểm lẻ của trường Tiểu học Sào Lưới, đều đặn 3 ngày trong tuần, vào lúc 16 giờ 30 phút, sau khi các học sinh của trường đã ra về thì 9 "học trò" đặc biệt của lớp lại đến đây để tập đọc, tập viết và làm tính. 

Trong thời đại hiện nay, nếu chị em không biết chữ thì sẽ thiệt thòi rất nhiều, mất đi nhiều cơ hội. Khi biết chữ, các chị, các cô sẽ tự tin hơn trong cuộc sống. Bản thân người làm công tác Hội cũng thuận tiện hơn khi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác Hội.

Chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái

Ở lớp học này, học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 26 tuổi đến những cô chú đã hơn 70 tuổi. Bà Nguyễn Thị Thao (75 tuổi, ở ấp Sào Lưới) là học viên lớn tuổi nhất và cũng là một trong những người chăm chỉ nhất lớp bày tỏ niềm vui khi đã có thể đọc, viết được tên của chính mình sau một thời gian "đánh vật" với con chữ.

Sinh ra trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, gia đình lại khó khăn nên từ nhỏ bà Thao không được đi học. Khi được cán bộ phụ nữ vận động thì bà quyết tâm đi học với mong muốn cuộc sống được thuận tiện hơn. 

Những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc - Ảnh 3.

Lớp học đặc biệt được Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, Cà Mau) mở

"Sau hơn 2 tháng học, tôi có thể đánh vần, đọc chữ và viết được tên. Biết chữ vui lắm, giờ đi làm giấy tờ, khám bệnh có thể ký được tên mình, không phải lăn tay như trước nữa", bà Thao phấn khởi chia sẻ.

Dù các học viên đều đã lớn tuổi nhưng không khí trong lớp luôn rất sôi nổi, ai cũng quyết tâm chinh phục con chữ. Có trường hợp học viên khi được gọi lên bảng đọc bài thì bỗng dưng… quên mất con chữ vừa mới học. 

Thế nhưng, học viên không chịu bỏ cuộc mà ngồi bệt luôn xuống nền nhà, cố gắng nhớ lại mặt chữ, đến khi đọc đúng thì mới chịu trở về chỗ ngồi. Chị Trương Kim Lến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới, cho biết: Việc dạy học đối với những học viên đã lớn tuổi không hề đơn giản. 

Những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc - Ảnh 4.

Chị Đào Thị Thanh An cùng học viên lớp học.

Lúc đầu phải chỉ, viết mẫu, kèm từng chữ trước. Quá trình dạy phải hết sức kiên nhẫn. "Điều khiến mình đảm đương được công việc này chính là sự hăng say, chăm chỉ, mừng vui được học chữ của các chị, các cô, chú. Chỉ khi nào bận lắm thì các cô chú mới nghỉ, xin phép đàng hoàng, rồi bữa sau học bù", chị Lến chia sẻ.

Lớp còn mở khi còn có người học

Chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, được xem là người có công đầu trong việc mở lớp học đặc biệt này. Trước kia, chị An từng là giáo viên dạy môn văn cấp trung học cơ sở trên địa bàn. Gia đình chị có nhiều thế hệ gắn bó với nghề giáo. 

Những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc - Ảnh 5.

Các học viên đến lớp học bằng xuồng

Sau này, chị tham gia công tác Hội tại cơ sở và được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái. Về lý do mở lớp học tình thương, chị An nhớ lại: "Khi Hội phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho bà con vay vốn làm ăn thì thấy nhiều người không biết chữ, lúc làm thủ tục mọi người chỉ lăn tay. Từ thực tế đó, tôi và chị em trong Hội vận động các cô, các dì đi học. Lúc đầu hầu hết mọi người đều không chịu do lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn phải ở nhà giữ cháu, có người phải đi làm thuê làm mướn nên không có thời gian. Nhưng lý do quan trọng nhất là nhiều người còn mặc cảm".

Tuy vậy, với chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", chị An đã thuyết phục được nhiều người đăng ký đi học. Chị xin ý kiến Đảng ủy, UBND xã mở lớp học và được ủng hộ. Năm 2015, lớp học đầu tiên được mở tại điểm sinh hoạt văn hóa ấp Gò Công. 

Những học viên tóc bạc nơi cuối trời Tổ quốc - Ảnh 6.

Chị Đào Thị Thanh An (bìa phải) cùng học viên lớp học

"Lúc đi vận động thì có hơn 10 người đăng ký học nhưng sau đó chỉ có 3 người chịu đến lớp. Dù ít mình cũng dạy, đã quyết định làm thì phải làm cho bằng được. Một thời gian ngắn sau, mọi người thấy hiệu quả, không có gì phải mắc cỡ cả nên đã đến lớp. Lớp học sau đó tăng lên 13 người", chị An chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, học viên của lớp đa phần có cuộc sống còn khó khăn. Nhiều người khi đến lớp còn phải đưa cháu, chắt đi cùng để trông. Việc vận động để các cô chú đi học đã cực rồi nhưng việc làm sao để mọi người duy trì, đến lớp đầy đủ, thường xuyên còn khó gấp nhiều lần. 

Năm 2022, chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên đi tới đi lui hoài để động viên, chia sẻ. Rất vui khi cũng có các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì gói cho các cô, các chú để giúp họ yên tâm phần nào khi đi học. Được biết, sau 8 năm hoạt động, lớp học đã giúp cho hơn 100 lượt học viên biết đọc, biết viết và tính toán trong đó có nhiều chị em người dân tộc Khmer.

Nhiều chị nhờ biết chữ đã tìm được việc làm ở TP.HCM, Bình Dương. Chị Đào Thị Thanh An cho biết, lớp học tình thương sẽ được mở khi còn có người học với mong muốn giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết, trình độ văn hóa cho chị em nơi đây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm