Cần cải thiện cuộc sống của phụ nữ nông thôn Việt Nam
09/03/2018 - 17:44
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã cùng nhau thảo luận về thực trạng, thách thức, cơ hội của phụ nữ nông thôn ở Việt Nam và đưa ra khuyến nghị để cải thiện cuộc sống của chị em ngày càng tốt đẹp hơn
Sự kiện được tổ chức với sự điều phối của Đại sứ Canada Ping Kitnikone và bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam - nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Quốc tế năm 2018.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên, sự tăng trưởng ấy không đồng nghĩa với việc bình đẳng giới cũng được mở rộng hơn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn. Phụ nữ và trẻ em nông thôn hiện vẫn đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng ở nhiều lĩnh vực và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những hạn chế trong việc tiếp cận và kiểm soát đất đai, nguồn lực, thông tin và công nghệ cũng như hạn chế trong việc sử dụng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng để có thể giúp họ giảm thiểu và phân phối lại công việc nội trợ không được trả công.
Không chỉ vậy, dù số lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động ở Việt Nam; tuy nhiên, các báo cáo cho thấy đang có sự chênh lệch đáng kể trong thu nhập giữa hai giới trong lĩnh vực này. Phụ nữ chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp tại chính gia đình của mình như một công việc không công với năng suất lao động thấp. Họ cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Canada Ping Kitnikone nhấn mạnh rằng "Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp cho phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi có một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: "Trao quyền năng cho phụ nữ là một trong những trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Những tiến bộ về Mục tiêu Phát triển Bền vững cũng là tiến bộ cho tất cả phụ nữ, không để bất cứ một người phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau. Tại thời điểm quan trọng này của quá trình thúc đẩy quyền của phụ nữ nông thôn, đã đến những người có trách nhiệm và những người nam giới cần phải đứng lên đấu tranh cho sự tham gia bình đẳng và quyền được ra quyết định của phụ nữ. Việc nam giới san sẻ các công việc nội trợ và chăm sóc không lương là vô cùng quan trọng để phụ nữ có thể theo đuổi cơ hội và phát huy tiềm năng của họ. Nâng cao trách nhiệm giải trình cho việc thực hiện các cam kết về bình đẳng giới thông qua các chính sách và chương trình có trách nhiệm giới nhằm xem xét các nhu cầu cụ thể của phụ nữ nông thôn và trẻ em gái cũng là việc làm cần thiết để giúp họ nhận thức rõ giá trị bản thân và đóng góp của mình cho gia đình, cộng đồng, xã hội và nền kinh tế đất nước”.
Các đại biểu đã nhất trí rằng các khuyến nghị có được sau buổi thảo luận về cải cách chính sách và nghiên cứu trong tương lai nhằm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở nông thôn sẽ được tóm tắt và chia sẻ tới các cơ quan và các tổ chức liên quan:
- Đánh giá tác động của các can thiệp phát triển ở nông thôn, đặc biệt là để xác định liệu những can thiệp này có mang lại thay đổi tích cực với cuộc sống của phụ nữ và trẻ em nông thôn; và liệu các can thiệp đó có xem xét yếu tố giới trong phân chia lao động.
- Tạo ra một môi trường thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái nông thôn, cũng như các tổ chức của họ, giúp họ tham gia đầy đủ và tích cực trong việc ra quyết định, hoạch định chính sách ảnh hưởng tới kế sinh nhai, đời sống và khả năng thích ứng của mình. Điều này bao gồm hỗ trợ tham gia có hiệu quả vào quá trình ra quyết định và lãnh đạo của phụ nữ nông thôn trong các doanh nghiệp, các tổ chức nông dân, hợp tác xã sản xuất và các tổ chức xã hội dân sự khác.
- Tăng cường khả năng chống chọi, thích nghi và phục hồi đối với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, bằng cách hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với các nguồn lực tài chính, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng bền vững, công nghệ, thông tin và bảo trợ xã hội.