pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ hãy dành thời gian tâm tình với con
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ bị trầm cảm vì những ức chế, stress, khó chịu cứ tích tụ trong lòng ngày một dày lên. Nếu được nói chuyện, tâm tình với bố mẹ thì ức chế của trẻ sẽ đỡ hơn rất nhiều. Thế nhưng, đa phần bố mẹ chỉ chú tâm việc lo cho con ăn uống, học hành chứ không coi trọng việc tâm tình với con.
Tiến Đạt (học lớp 11) có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với bố mẹ. Cậu và mẹ hễ chạm mặt nhau là tranh cãi. Còn với bố, ngoài những lời mắng mỏ của bố, cậu gần như không nói chuyện với bố. Cậu thường xuyên về nhà muộn, không ít lần còn doạ dẫm bỏ nhà ra đi.
Được biết, bố mẹ Đạt đều là những trí thức. Ngày nhỏ, cậu rất hiếu động, nghịch ngợm. Thầy cô giáo thường xuyên phản ánh với bố mẹ cậu về vấn đề này. Mỗi lần như vậy, Đạt lại bị bố mẹ phạt. Dù ở trường hay ở nhà, cậu đều bị tổn thương lòng tự trọng. Thế nên, cậu chán nản và không muốn học.
Tâm trạng của Đạt rất tồi tệ, không ổn định, thường xuyên ở chán nản, suy sụp. Thậm chí, cậu còn có dấu hiệu trầm cảm. Đạt chia sẻ, cậu không cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương trong gia đình, mà chỉ cảm thấy bị khống chế. Bố mẹ trói buộc cậu bằng sự giáo điều và quan niệm cũ, khiến cậu cảm thấy bị ức chế và không còn lòng tự trọng.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ tâm tình, chia sẻ với con là rất quan trọng, sẽ khiến mối quan hệ cha mẹ-con gái gần gũi, gắn bó. Cha mẹ sẽ hiểu con hơn, hiểu tâm lý của con, biết con đang mong muốn gì, con đang gặp khó khăn ra sao.
Khi nói chuyện với con, cha mẹ cần tạo không khí gia đình vui vẻ, bố mẹ yêu thương nhau. Có những phụ huynh vì công việc bận rộn nên chỉ coi nhà như chỗ để nghỉ ngơi và ngủ. Cũng có những cha mẹ tùy tiện nói chuyện tiêu cực hoặc mang những tâm trạng không tốt về nhà. Trong giai đoạn dậy thì, con trẻ thường có tâm trạng vui buồn thất thường, rất dễ dẫn đến ức chế tinh thần. Không khí gia đình không lành mạnh, tình cảm cha mẹ và con cái xa cách, thậm chí cãi vã nhau sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng con cái.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến bản thân mình. Cha mẹ mang tâm trạng lo lắng, ức chế sẽ không thể hiểu được tâm tư, tình cảm của con khi nói chuyện, tâm sự với con. Bản thân cha mẹ phải vui vẻ cởi mở thì mới có thể dùng tấm lòng rộng lượng và trái tim yêu thương để hiểu con. Bởi vậy, cha mẹ cũng cần thường xuyên kiểm soát tâm trạng của mình.
Đặc biệt, cha mẹ cần học cách hiểu con. Cha mẹ cần nói chuyện, tâm sự bằng những cách khác nhau tùy theo cá tính của từng trẻ. Cha mẹ cần chú ý, lắng nghe con, dành thời gian cùng con làm những việc có ích.
Điều mà cha mẹ cần nhớ khi tâm tình với con, đó là phải tôn trọng con, cho con thời gian và không gian rộng mở để con phát triển. Nếu con gặp trở ngại tâm lý, cha mẹ đã nỗ lực cố gắng nhưng vẫn không nói chuyện được với con, lúc này cha mẹ nên đưa con đến trung tâm tư vấn tâm lý. Nếu phát hiện con mắc chứng trầm cảm hoặc quá lo lắng, hãy điều trị cho con theo chỉ dẫn của bác sĩ.