pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần cơ chế đột phá quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thảo luận tại hội trường
Tiến tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phần lớn các đại biểu tán thành việc ban hành Nghị quyết này nhằm khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng, đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, góp phần trở thành trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quốc hội đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương lớn của Nghị quyết 57. Hiện nay nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã sẵn chuyển đổi và hành động; tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn nằm ở pháp lý và quy trình hành chính còn hạn chế. Cụ thể như cơ chế tài chính thiếu linh hoạt; doanh nghiệp có quỹ nhưng khó giải ngân; quy trình đấu thầu phức tạp, khiến việc mua sắp công nghệ mất nhiều thời gian; thủ tục cấp phép lưu hành sản phẩm khoa học công nghệ, đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ còn kéo dài.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, các mặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ chưa có quy định cụ thể về việc đặt hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực sinh học, vi sinh học, robot, công nghệ lượng tử, năng lượng mới... Theo đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, cần cơ chế thúc đẩy đặt hàng các sản phẩm này.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung vào Điều 5, các sản phẩm khoa học công nghệ được đặt hàng, sau khi nghiên cứu thành công thì các đơn vị đặt hàng có thể trực tiếp ký kết hợp đồng, cung cấp sản phẩm với bên nghiên cứu mà không cần phải tuân thủ các quy định đấu thầu. Đồng thời, các bộ, ngành phải dành 20% ngân sách để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH Hà Nội, thảo luận
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề xuất: Quốc hội xem xét bổ sung trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Cụ thể như giao đất sạch trực tiếp, không qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thu tiền sử dụng đất trong thời gian 10 năm trở lên, sau đó miễn giảm 50% tiền sử dụng đất cho thời gian tiếp theo với dự án có hiệu quả.
Đồng thời cần có cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn nhà nước hoặc vốn kết hợp, theo hướng "Người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước".
Trước đó, ngày 13/2, Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết gồm 4 chương và 20 điều, bao gồm 2 nội dung liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động chuyển đổi số quốc gia.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; bổ sung quy định về miễn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ); quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ...
Theo đó, dự thảo Nghị quyết tạo một số cơ chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, như: Quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học; viên chức, việc chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập.
Cùng với đó, quy định ưu đãi thuế cho các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. cụ thể như quy định các khoản thu nhập từ tiên lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.