pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần đảm bảo quyền làm việc cho người cao tuổi
Ảnh minh họa: TTXVN
Gần 70 tuổi nhưng lịch làm việc mỗi ngày của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam (Đắk Lắk) vẫn kín đặc.
Hiện công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 79 người và 50-150 người lao động thời vụ, tùy theo yêu cầu công việc hằng tuần. Cùng với bà Ngọc Anh, khoảng 7 triệu người cao tuổi Việt Nam đang sản xuất kinh doanh, tích cực tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.
"Còn sức khỏe tôi còn cống hiến"
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh tâm sự: "Còn sức khỏe là tôi còn cống hiến cho xã hội, nếu nghỉ ngơi lúc này sẽ chẳng thấy cuộc sống có gì ý nghĩa". Đó cũng là lý do sau khi nghỉ hưu, bà Ngọc Anh lập tức bắt tay vào thực hiện mục tiêu mà bà ấp ủ bấy lâu là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, tích cực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh quê ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định), hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Bà là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam.
Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 8 km về hướng Đông, Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam được xây dựng vào tháng 8/2012. Toàn bộ cổ đông của Công ty là nữ.
Theo bà Ngọc Anh, việc đầu tư và xây dựng dự án Khu Du lịch Sinh thái Văn hóa Cộng đồng KoTam nhằm giữ gìn dòng nước đầu nguồn trong lành của suối KoTam, kết hợp trồng cây, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu vực, tái hiện, khôi phục các bến nước lâu đời, nhà dài, cồng chiêng của dân tộc Ê Đê.
Tỷ lệ thu hút, tập hợp phụ nữ cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các cô với bề dày kinh nghiệm sống quý báu không chỉ là những người bà, người mẹ đảm đang, gương mẫu, chăm lo cho gia đình, được con cháu kính yêu mà còn là những cán bộ, hội viên tích cực đi đầu trong công tác Hội và tham gia đảm nhận các công việc mà cấp ủy Đảng, chính quyền giao cho. Dù ở cương vị, công việc nào, các cô cũng luôn phát huy vai trò và uy tín của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính điều đó đã “tiếp lửa” cho các thế hệ phụ nữ trẻ noi theo, cố gắng ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến cho gia đình và xã hội”.
Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai
"Một mục tiêu quan trọng mà chúng tôi hướng đến là đào tạo lao động nữ và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động tại địa phương. Hiện chúng tôi tạo việc làm thường xuyên cho 79 người (trong đó 75% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, 72% là nữ);
lao động thời vụ từ 50 đến 150 người, tùy theo yêu cầu công việc hàng tuần. 100% công nhân được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp", bà Ngọc Anh chia sẻ.
Hành trình "gieo" hy vọng của bà lão U90
Ngôi nhà 4 tầng khang trang gắn biển tên "Hy vọng" nằm sâu trong con ngõ 290 phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) hằng ngày vẫn vang lên tiếng ê a, câu nói chưa tròn của những đứa trẻ khiếm khuyết về trí tuệ.
20 năm qua, nơi đây là địa chỉ được nhiều phụ huynh gửi gắm con mình đến học. Giám đốc của Trung tâm Hy vọng là bà Đỗ Thúy Nga, năm nay đã bước sang tuổi 81.
Với bà Nga, việc sáng lập Trung tâm Hy vọng như một cách để trả ơn cuộc đời, nhen nhóm lên niềm hy vọng được hòa nhập cuộc sống đối với những đứa trẻ thiệt thòi. Đó cũng là mong ước của vị giám đốc khi đặt tên trung tâm là Hy vọng.
Bà Nga tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội và từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất với chuyên môn Nhi khoa. Trong quá trình công tác, chứng kiến nhiều trẻ thiệt thòi, bà Nga rất thương cảm.
Sau khi nghỉ hưu, bà Nga quyết định tập hợp những giáo viên có tình yêu thương trẻ để thành lập Trung tâm Hy vọng. Từ đây, hàng trăm em nhỏ đã "tốt nghiệp" và hòa nhập với cộng đồng.
Khoảng 7 triệu người cao tuổi Việt Nam đang sản xuất kinh doanh
Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này được dự báo tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kì dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".
Người cao tuổi đã và đang tích cực tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng. Việt Nam có khoảng 7 triệu người cao tuổi đang sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 455.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, 321.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
TS. Đinh Hữu Phí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng, quá trình già hóa dân số nhanh đặt ra những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng những cơ chế chính sách và hành lang pháp lí về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò, khả năng và nguồn lực của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.
Một trong những nội dung quan trọng hiện nay là cần có những quy định pháp luật về hỗ trợ, tạo việc làm cho người cao tuổi, vừa bảo đảm quyền làm việc, vừa sử dụng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, huy động, sử dụng nguồn lực vô giá của người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.