Cần đưa vào chương trình dạy học bắt buộc về phòng chống mua bán người tại địa bàn vùng cao, biên giới

PVH
24/06/2024 - 10:46
Cần đưa vào chương trình dạy học bắt buộc về phòng chống mua bán người tại địa bàn vùng cao, biên giới

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng: Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi. Vì vậy, việc tuyên truyền cần tập trung vào đối tượng và hình thức phù hợp, hiệu quả.

Tiếp tục chương trình sáng 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Quan tâm tới vấn đề phòng chống mua bán người tại khu vực miền núi, biên giới, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho biết: Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới.

Thoe đại biểu, Chương 2 của dự án Luật quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhưng Điều 7 nội dung dự án Luật quy định còn chung chung; không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao.

Qua báo cáo thống kê hầu hết nạn nhân bị mua bán chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, trong dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Cần đưa vào chương trình dạy học bắt buộc về phòng chống mua bán người tại địa bàn vùng cao, biên giới- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH Hà Nội, thảo luận

Về ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Về Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), tại khoản 4 điều này quy định: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Đồng quan điểm, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng: Để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả, cần rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án Luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác.

Ví dụ như tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: "Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn".

Mặt khác, tại điểm d, khoản 1, Điều 60 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND các cấp: "Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành".

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nên nghiên cứu lại điều khoản này, bởi vì nếu giao cho các địa phương tự bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người sẽ rất khó cho các địa phương nhất là các các địa phương nguồn thu ngân sách thấp sẽ khó khăn trong việc bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm