Cần gỡ “nút thắt” về nỗi sợ bình đẳng giới làm tăng chi phí và tốn thời gian của doanh nghiệp

Hải Yến
30/03/2023 - 18:06
Cần gỡ “nút thắt” về nỗi sợ bình đẳng giới làm tăng chi phí và tốn thời gian của doanh nghiệp

Quang cảnh buổi tọa đàm "Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới"

Bình đẳng giới về kinh tế là một trong những vấn đề thách thức vì nó không chỉ đơn giản ở tỉ lệ nam-nữ trong lực lượng lao động hoặc trong lãnh đạo, mà nó còn là công bằng trong trả lương, trong môi trường làm việc an toàn, không có quấy rối hoặc kỳ thị.

Tại toạ đàm "Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới" do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và doanh nghiệp xã hội ECUE tổ chức mới đây, các diễn giả đã đưa ra các giải pháp toàn diện về nhận thức, nguồn lực, chính sách và văn hóa thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE, một tổ chức tham gia chương trình "Investing in Women", cho rằng vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm tương ứng. 

Bình đẳng giới về kinh tế là một trong những vấn đề thách thức vì nó không chỉ đơn giản ở tỉ lệ nam-nữ trong lực lượng lao động hoặc trong lãnh đạo, mà nó còn là công bằng trong trả lương, trong môi trường làm việc an toàn, không có quấy rối hoặc kỳ thị.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Mạng lưới nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead), mang đến toạ đàm góc nhìn mới về bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như những nút thắt trong nhận thức về bình đẳng giới. 

"Khó khăn nhất khi đưa vấn đề này vào doanh nghiệp, với những người đứng đầu, là nhận thức của họ về bình đẳng giới, cũng như nỗi sợ của họ khi họ nghĩ điều này sẽ tăng chi phí và tốn thời gian cho doanh nghiệp", bà Tuyết Minh chia sẻ.

Chị Trần Thùy Trang, Giám đốc Nhân sự và Đào tạo Deloitte Việt Nam, đã mang đến toạ đàm nhiều câu chuyện thực tế tại doanh nghiệp của chị, một trong những doanh nghiệp tiên phong về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Đó là từ khâu tuyển dụng đến phát triển nhân viên đều không có ranh giới về giới. 

"Khi đặt bộ câu hỏi tuyển dụng, chúng tôi bỏ đi phần giới tính. Khi thành lập hội đồng phỏng vấn tuyển dụng, chúng tôi có cả nam và nữ, không để định kiến giới ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn và không hề có rào cản trong vấn đề phân biệt giới khi chúng tôi phát triển nhân viên", chị Trần Thùy Trang chia sẻ.

Những chia sẻ của chị Thùy Trang đã thu hút sự quan tâm của nhiều người có mặt tại toạ đàm khi chị cho biết, tại nơi làm việc của chị, phụ nữ có thể được nhận quyết định thăng tiến ngay cả khi họ đang trong giai đoạn nghỉ thai sản. 

Nam giới luôn được khuyến khích gánh vác công việc chăm sóc gia đình, con cái cùng với người vợ của mình. Họ được khuyến khích nghỉ và được hưởng nguyên lương để cùng vợ trải qua giai đoạn "vượt cạn".

Trong cuốn sách "Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới" do Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam mới "trình làng", nhóm nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị với cơ quan Nhà nước. Cụ thể, cần đưa một số quy định cứng về bình đẳng giới vào "Luật bình đẳng giới" đang được xem xét để trình Quốc hội sửa đổi. Một số nước đã áp dụng hiệu quả việc đưa một số chỉ số bắt buộc về giới cho các doanh nghiệp lớn, niêm yết trên sàn chứng khoán, như tỉ lệ phụ nữ trong đội ngũ lãnh đạo, đánh giá bình đẳng lương, công khai thông tin về giới của doanh nghiệp thường niên. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc không nên tách rời chính sách phúc lợi, tái sản xuất, dân số; nên nghiên cứu đưa các điều khoản về chính sách thai sản/phúc lợi hài hoà giữa lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người lao động và lợi ích của xã hội.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm