Cần làm rõ về quyền tài sản của người trúng đấu giá biển số xe

PV
07/11/2022 - 13:06
Cần làm rõ về quyền tài sản của người trúng đấu giá biển số xe

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH Hà Nội, thảo luận

Thảo luận tại hội trường ngày 7/11 về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ người được thừa kế có phải trả lại biển số trúng đấu giá; được quyền cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn hay không.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 7/11, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, phần lớn các đại biểu việc ban hành Nghị quyết là cần thiết và có tác dụng tích cực như: Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân được bình đẳng lựa chọn biển số xe theo sở thích và thông qua đấu giá, tăng thêm hiệu lực công tác quản lý đăng ký xe ô tô cá nhân và làm tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước từ việc đấu giá biển số xe ô tô.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, băn khoăn nội dung tại Điều 4 về quyền và quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe quy định… Theo đó, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp.

Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác.

Cần làm rõ về quyền tài sản của người dân trúng đấu giá biển số xe - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Về nội dung này, đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Về quy định người nhận chuyển nhượng, cho thuê, tặng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe nên quy định biển số trúng đấu giá là tài sản của cá nhân. Người trúng đấu giá có các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự; đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do hạn chế quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá là theo quy định của pháp luật nào?

Đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số xe để gắn sang xe khác trong trường hợp xe bị hỏng, bị mất, bị thu hồi, cho thừa kế, biển số trúng đấu giá; người thừa kế đăng ký, biển số xe như là tài sản thừa kế.

Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ người được thừa kế có phải trả lại biển số trúng đấu giá; được quyền cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn hay không?

Cho ý kiến về công tác quản lý biển số được đấu giá, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho biết hiện nay việc đăng ký và được cấp biển kiểm soát có số đăng ký theo tỉnh, thành phố mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, thành phố khác thì phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, thành phố nơi chuyển.

Tuy nhiên, theo dự thảo nghị quyết thì việc cấp biển số xe qua đấu giá sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú nữa. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng đây thay đổi rất là lớn trong công tác quản lý phương tiện nhưng chưa được đánh giá tác động. Thực tế, việc đăng ký và quản lý phương tiện theo địa bàn vừa để xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký vừa để thống kê, quản lý phương tiện lưu thông trên địa bàn và các số liệu đăng ký đang là một trong những thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý an ninh trật tự…

Đại biểu cho biết, về nội dung này, Bộ Công an khẳng định, việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi do Bộ Công an đang thực hiện việc quản lý bằng dữ liệu điện tử nên vẫn bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước về phương tiện giao thông và bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân. Tán thành với giải trình bổ sung này của Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung và việc chuyển đổi số của Bộ Công an.

Mặt khác theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, do đây là nội dung thí điểm được thực hiện trong vòng 3 năm nhưng hệ quả của chính sách này có tác dụng và ảnh hưởng rất lâu dài. Trong khi đó còn có các nội dung chưa thật rõ, còn có thể điều chỉnh như về các vấn đề về tài sản, về quyền tài sản, về phương thức đăng ký, quản lý phương tiện… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định giới hạn về thời gian được sử dụng quyền của người trúng đấu giá hoặc là tương ứng với niên hạn sử dụng của phương tiện được gắn biển số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm