Các vị đại biểu đều ghi nhận chính sách về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện. Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật binh đẳng giới, góp phần đưa các quy định của luật vào cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nhận định nội dung báo cáo còn hạn chế, chưa toàn diện, chưa chỉ rõ vì sao còn hơn 50% số chỉ tiêu chưa có số liệu hoặc số liệu chưa phù hợp với tiêu chí.
Cụ thể, về chỉ tiêu phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, theo báo cáo về thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới, tính đến hết tháng 8 năm 2017, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đạt tỷ lệ 40% (giảm 7% so với năm 2015). Ở cấp tỉnh, có 16/63 địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 25,39%. Như vậy so với yêu cầu đạt tỷ lệ 95% vào năm 2020 còn khoảng cách lớn và khó có khả năng thực hiện chỉ tiêu này tại cấp địa phương.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, nhận định: Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Nhận thức về bình đẳng giới đã có những chuyển biến đáng kể. “Tuy nhiên, đến nay bình đẳng giới giữa nam nữ thì nữ vẫn còn yếu thế. Đặc biệt, cán bộ nữ tham gia trong bộ máy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và trong hệ thống chính trị rất khiêm tốn”.
Theo đại biểu này, nguyên nhân hạn chế trong công tác cán bộ nữ là “giữa nhận thức và hành động chưa đồng hành”. Đặc biệt quá trình tổ chức chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên và cũng thiếu cụ thể, thậm chí còn hình thức, ví dụ như có tỷ lệ cơ cấu nữ vào bộ máy lãnh đạo, quản lý, Quốc hội, HĐND nhưng lại chưa gắn với vị trí, chức danh.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị các báo cáo hằng năm hoặc báo cáo nhiệm kỳ của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương nên quan tâm đến việc thực hiện quốc gia bình đẳng giới. Chỉ rõ những cơ quan, đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình cơ quan và đơn vị chưa thực hiện đúng mục tiêu. Đặc biệt “gắn trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới với người đứng đầu tạo động lực cơ bản nhất, tránh tình trạng nói không đi với làm "nói một đằng làm một nẻo", đại biểu Phương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau, cho rằng cần quan tâm chuẩn bị nguồn cán bộ; đồng thời cần nêu rõ địa phương, ngành chưa đạt để tập trung chỉ đạo thực hiện cho được chiến lược đã đề ra. Phải có chiến lược đầy đủ để đáp ứng, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và có chiến lược lâu dài để đào tạo nâng cao trình độ cán bộ nữ.
Bên cạnh đó, độ tuổi nghỉ hưu của nữ vẫn sớm hơn nam 5 năm, gây nhiều thiệt thòi cho phụ nữ có trình độ, năng lực muốn tiếp tục cống hiến và giảm cơ hội thăng tiến, làm quản lý, lãnh đạo. Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, trong quy hoạch đào tạo, tạo cơ hội để đề bạt, cân nhắc, xem xét đối với nữ trong đào tạo quy hoạch “không nên tính đến độ tuổi, như vậy phụ nữ mới có cơ hội để làm cán bộ chủ chốt như nam giới ở cùng độ tuổi”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, đề nghị cần nghiên cứu kỹ để sửa đổi Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu. Qua đó, để lao động nữ được quyền tự lựa chọn linh hoạt về tuổi nghỉ hưu từ khoảng 55 đến 60 tuổi. “Như vậy sẽ giải quyết hài hòa, vừa bình đẳng giới và cũng vừa đảm bảo quyền của một bộ phận người lao động nữ sẽ có cơ hội để thăng tiến, cơ hội để cống hiến cho đất nước và cho xã hội”, đại biểu Nhưỡng bày tỏ.